Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ với tỷ lệ tán thành đạt 100%.
Sáng 6/7, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Kịp thời ổn định giá xăng dầu, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới có xu hướng tăng cao, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) cũng tăng mạnh.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Trong đó, giá xăng tăng 13 lần, giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.
Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiểm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch COVID-19.
Do vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo lập luận của Chính phủ thì đây là giải pháp khả thi nhất và có hiệu quả nhất để ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới.
Theo đề nghị của Chính phủ, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2000 xuống mức sàn 1000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1500 xuống mức sàn 1000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1000 xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1000 xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1000 xuống mức sàn 300 đồng/kg.
Với mức giảm như trên, ngân sách nhà nước ước tính giảm thu khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng và nếu nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước là khoảng 7000 tỷ đồng. Nếu tính cả phần ước giảm thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 23.954 tỷ đồng) và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 (khoảng 1.584 tỷ đồng) thì giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn cả năm là khoảng 32.538 tỷ đồng.
Với mức giảm đề xuất như trên, giá xăng thực tế sẽ giảm 1.100 đồng/lít; giá nhiên liệu bay, dầu diesel thực tế sẽ giảm 550 đồng/lít; giá dầu mazut, dầu nhờn giảm thực tế 770 đồng/lít; giá mỡ nhờn thực tế sẽ giảm 770 đồng/kg.
Bảo đảm nguồn cung, bảo đảm bình ổn giá
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với đề nghị của Chính phủ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn so với quy định hiện hành để kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường là chưa thật sự phù hợp với bản chất và nguyên tắc tính thuế của thuế bảo vệ môi trường, dễ tạo dư luận cho rằng Việt Nam không sẵn sàng thực hiện giảm tác động có hại đến môi trường. Về sự cần thiết, Tờ trình của Chính phủ có đề cập nguyên nhân về xu thế tăng giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới. Với đỉnh điểm giá dầu thô thế giới vào tháng 3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/UBTVQH ngày 23/3/2022 để điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu với hiệu lực áp dụng từ 1/4/2022. Vì vậy, Chính phủ cần chủ động hơn trong các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước theo thẩm quyền, trong đó đặc biệt là các biện pháp điều chỉnh về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mà cho đến nay vẫn chưa được Chính phủ thực hiện.
Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, căn cứ tình hình giá xăng dầu trên thị trường trong nước và để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nhất trí giảm thuế về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) để đa dạng hóa nguồn cung khi cần thiết. Đồng thời sớm nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, đời sống nhân dân và tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Liên quan đến các loại thuế khác và điều hành về giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết do tính chất quan trọng của xăng dầu nên vừa phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu – đây là yếu tố then chốt, quyết định và vừa phải bình ổn giá.
Ngoài cắt giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, hoặc tiếp tục neo ở mức cao. Chẳng hạn các nhóm đối tượng ngư dân đánh bắt xa bờ, người nghèo, người thu nhập thấp… Đồng thời tiếp tục rà soát các yếu tố cấu thành giá xăng dầu.
Sau khi thảo luận kỹ lưỡng về mọi mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua dự thảo nghị quyết theo đề nghị của Chính phủ với tỷ lệ tán thành đạt 100%.
Về thời hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thời hạn có hiệu lực từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Khi được ban hành, Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết 13 và Nghị quyết 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ ngày 1/1/2023, các mức thuế bảo vệ môi trường sẽ được áp dụng theo Nghị quyết số 579 ngày 26/9/2018 theo đề nghị của Chính phủ, nếu không có gì đặc biệt./.
Nguồn tin: ĐCSVN
Trả lời