Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đối mặt với một tình huống bất thường là giá dầu tăng cao hơn mức mà tổ chức này mong muốn, theo The Wall Street Journal.
Các trạm bơm dầu đá phiến Mỹ sẽ tăng cường hoạt động khi giá dầu tăng. Ảnh: CNN
Trong phiên giao dịch hôm 12-12, giá dầu Brent trên thị trường London có lúc vượt lên mức 65 đô la Mỹ/thùng. Mức giá dầu cao như vậy có thể làm suy yếu cam kết của 24 nước sản xuất dầu mỏ dẫn đầu là OPEC sau khi họ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,8 triệu thùng/ngày (hay còn gọi là thỏa thuận Vienna) đến hết năm 2018, thay vì đến tháng 3-2018 như kế hoạch.
Hiểu một cách đơn giản, việc cắt sản lượng giảm có nghĩa là nguồn cung dư thừa giảm xuống và giúp giá dầu tăng. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng quá cao lại xuất hiện một vấn đề mới là có thể khiến một số nước tranh thủ tăng sản lượng để bán được ở mức giá cao, thay vì tuân thủ cam kết giảm sản lượng, theo một số nhà phân tích và các thành viên OPEC.
Ole Hansen, Giám đốc bộ phận chiến lược hàng hóa ở Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) nhận định rằng, giá dầu tiếp tục tăng sẽ là một sự ‘mời gọi’ gian lận thỏa thuận Vienna. Điều này có thể khiến thỏa thuận này bị sụp đổ.
Một số thành viên OPEC lo lắng về Nga, nước đang dẫn đầu nhóm các nước ngoài OPEC tham gia thỏa thuận Vienna. Các công ty dầu khí Nga đang sốt sắng muốn tận dụng giá dầu tăng cao và kêu gọi Moscow tìm chiến lược thoát khỏi liên minh với OPEC.
Ngoài ra, giá dầu tăng cũng có thể là động lực để các công ty dầu đá phiến ở Mỹ đang muốn đẩy mạnh khai thác sau ba năm chứng kiến sản lượng sụt giảm do thị trường dầu suy thoái. Thông thường những công ty này sẽ dựa vào giá dầu hiện tại để lên kế hoạch sản xuất cho năm 2018. Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào năm sau.
Các thành viên OPEC đang có hai luồng ý kiến, một số thành viên của tổ chức này cho rằng, giá dầu Brent 60 đô la/ thùng sẽ là mức lý tưởng để trang trải các nhu cầu tài chính của họ mà không giúp sức quá lớn cho hoạt động khai thác dầu đá phiến vốn có chi phí cao ở Mỹ.
Đặc biệt, Ả rập Saudi muốn giá dầu ổn định ở mức đó để thực hiện thành công đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco vào năm sau và đa dạng hóa đầu tư vào các ngành công nghiệp khác.
Nhưng ở chiều hướng ngược lại, vẫn có một số thành viên OPEC, vốn phụ thuộc vào doanh thu bán dầu thô vẫn mong giá dầu cao hơn nửa để cân băng ngân sách quốc gia. Đơn cử như Nigeria đang cần giá dầu Brent ở mức 139 đô la Mỹ thùng để trang trải cho chi tiêu ngân sách trong năm nay.
Trước đây, các nỗ lực kiểm soát giá dầu của OPEC rất thường ít hiệu quả. Vì thế, giờ đây, OPEC và thành viên lớn nhất Ả rập Saudi chỉ là giữ giá dầu ổn định bằng cách bảo đảm các nguồn cung vận hành phù hợp với các xu hướng tiêu thụ.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn
Trả lời