Trong phiên giao dịch ngày 7/5, giá “vàng đen” thế giới duy trì mức đỉnh kể từ tháng 11/2014 do nguồn cung bị thắt chặt và thị trường đang chờ thông tin về khả năng Mỹ tái trừng phạt Iran.
Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn giao dịch ở mức 74,87 USD/thùng, không thay đổi so với mức đóng cửa phiên trước đó. Dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 4 xu Mỹ, lên 69,76 USD/thùng.
Giá dầu lên mức cao nhất hơn 3 năm do căng thẳng thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các nhà phân tích nhận định việc hạn chót 12/5 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra đang đến gần đã tác động đến thị trường dầu thế giới. Tổng thống Trump muốn điều chỉnh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran vào thời hạn trên hoặc Mỹ sẽ không tiếp tục dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc gia sản xuất dầu mỏ này.
Dự đoán của giới đầu tư nghiêng về khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký từ năm 2015 đã đẩy giá dầu thô tăng mạnh trong những tuần gần đây. Giá dầu thô WTI của Mỹ đạt mức đỉnh trong 3,5 năm và giá dầu Brent tương lai tăng 1,25 USD, tương đương 1,7%, lên 74,87 USD/thùng trong phiên 4/5.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên quan thỏa thuận hạt nhân được Iran và Nhóm P5 1 (gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) ký năm 2015 sẽ tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong tuần này, theo Greg McKenna, nhà chiến lược thị trường trưởng tại công ty môi giới tương lai AxiTrader.
Ngoại trưởng Iran tuyên bố không chấp nhận yêu cầu từ Mỹ. Iran, thành viên Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tái trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn hồi tháng 1/2016, sau khi một số lệnh trừng phạt Tehran được dỡ bỏ.
Nếu Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran, nguồn cung dầu thế giới sẽ bị thắt chặt. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 6/5 tuyên bố Tehran đã có kế hoạch đáp trả và Mỹ sẽ phải hối tiếc vì rút khỏi thỏa thuận.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu cũng có dấu hiệu được thắt chặt hơn trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ của Venezuela đang sụt giảm do khủng hoảng kinh tế-chính trị. Sản lượng dầu của Venezuela đã giảm 50% xuống chỉ còn 1,5 triệu thùng/ngày do nước này không có khả năng đầu tư để duy trì các cơ sở sản xuất và lọc dầu của mình.
Shannon Rivkin – Giám đốc đầu tư của Công ty Chứng khoán Rivkin của Australia nhận định: “Giá năng lượng tiếp tục nhận được lực đẩy từ nguồn cung dầu toàn cầu được thắt chặt hơn và dự đoán nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.
Ngoài yếu tố địa chính trị, các nhà giao dịch dầu mỏ tiếp tục chú ý đến việc sản lượng dầu từ Mỹ đang tăng đều, một trong những yếu tố có thể hạn chế đà tăng của giá năng lượng trong tương lai.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu mỏ của nước này đã tăng hơn 25% trong 2 năm qua lên mức 10,62 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, có thể vượt ngưỡng 11 triệu thùng/ngày của Nga, khi các công ty năng lượng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác.
Các công ty khai thác dầu tại Mỹ đã bổ sung thêm 9 giàn khoan dầu trong tuần tính đến ngày 4/5, nâng tổng số giàn khoan lên 834, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn
Trả lời