Bộ trưởng các nước thuộc OPEC đến Vienna hôm 19/6 để đàm phán về thỏa thuận hạn chế sản lượng. Cuộc họp sẽ diễn ra trong bối cảnh Iran phản đối đề xuất tăng sản lượng của Arab Saudi và Nga.
Cuộc họp vào ngày 22 – 23/6 tới đây giữa lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước không thuộc khối OPEC được xem như cuộc họp gây tranh cãi nhất trong những năm gần đây. Một số thành viên vẫn lúng túng về việc có nên đảo ngược thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã có hiệu lực 18 tháng, đã giúp nâng giá dầu lên mức cao nhiều năm, hay không.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, xuất khẩu dầu mỏ của nước này có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy Iran rất thận trọng trước bất kỳ động thái nào có thể đẩy giá dầu giảm của Arab Saudi.
Arab Saudi cũng đang phải đối mặt với áp lực tăng sản lượng khai thác dầu từ đồng minh thân cận Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hy vọng giữ giá dầu ở mức thấp trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Có thể nói tranh cãi về sản lượng của OPEC ít nhiều có liên quan đến yếu tố chính trị.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Bijan Namdar Zanganeh, cho biết Iran sẽ không nhượng bộ, và giận dữ chỉ trích Trump vì đang chính trị hóa OPEC.
“Tôi không nghĩ chúng ta có thể đạt được thỏa thuận trong cuộc họp này”, ông phát biểu. Ông cho rằng Tổng thống Trump phải chịu một phần trách nhiệm về việc giá dầu bị đẩy lên cao, vì đã “gây ra những khó khăn cho thị trường dầu” bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Venezuela và Iran.
“Và giờ ông ta lại mong đợi OPEC phải làm gì đó để kiếm chế giá”, ông nói. “Thật không công bằng… OPEC không phải một phần của Bộ Năng lượng Mỹ”.
Căng thẳng địa chính trị
Khối 14 nước thành viên OPEC và 10 nước ngoài OPEC, bao gồm cả Nga, tạo ra 50% nguồn cung dầu thế giới. Do đó, động thái của họ có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới.
Từ 1/2017, nhóm OPEC này đã cùng ký một thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày để giảm dự trữ và tăng giá dầu thế giới. Chiến thuật này đã giúp đẩy giá dầu từ mức dưới 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016 lên hơn 70 USD/thùng vào quý II/2018. Thỏa thuận dự kiến được kéo dài đến hết năm nay.
Tuy nhiên sản xuất dầu mỏ của Venezuela đi xuống do khủng hoảng và viễn cảnh Iran bị tái áp lệnh trừng phạt đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu, có thể đẩy giá tăng đột biến. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi, ông Khaled al-Faleh còn lên tiếng ủng hộ cắt giảm sản lượng do thị trường vẫn có khả năng thích ứng với mức giá cao hơn nữa.
Nhưng Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông không chấp thuận việc giảm sản lượng. Giới quan sát cho rằng Trump đang gia tăng áp lực về việc tăng sản lượng lên Arab Saudi, để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Iran.
Vì lý do kỹ thuật, Nga không thể tăng sản lượng vào mùa đông, nên sẽ quá muộn nếu đàm phán tăng sản lượng trong cuộc họp OPEC tháng 11 tới. Bộ trưởng Dầu mỏ Nga, ông Alexander Novak ủng hộ việc xóa bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng hôm 19/6, lấy lý do nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng trong những tháng tới.
Tăng hay không tăng?
Venezuela và Iraq cũng đồng thuận với Iran trong việc phản đối tăng sản lượng, vì các nước này sẽ thiệt hại nếu nguồn cung dầu tăng khiến giá giảm đi.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chỉ một số ít các nước trong khối OPEC có thể tăng sản lượng trong ngắn hạn. Bao gồm Arab Saudi, Kuwait, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga. Hầu hết các nước còn lại đều thấy việc hạn chế nguồn cung để bán dầu với giá cao hợp lý hơn.
Do OPEC hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, các chuyên gia phân tích tin rằng một số thỏa thuận thỏa hiệp sẽ bị bác bỏ vào ngày 23/6. Các lãnh đạo OPEC trước đó từng có thể đặt sự khác biệt về địa chính trị sang một bên để đạt được lợi ích chung.
Nguồn tin: ndh.vn
Trả lời