Cấm dầu Nga, châu Âu khó trông đợi vào Trung Đông

Trung Đông là niềm hy vọng lớn nhất của châu Âu nếu họ quyết cấm dầu Nga, nhưng bất ổn chính trị ở khu vực tạo ra hàng loạt thách thức.

Khi châu Âu tìm cách áp đặt lệnh cấm dầu Nga để gây sức ép với chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quốc gia Trung Đông dường như là niềm hy vọng duy nhất hiện nay để bù đắp khoản thiếu hụt dầu mỏ với châu lục này.

Câu hỏi đặt ra là liệu ai trong số họ đủ năng lực về kỹ thuật và cũng như mức độ sẵn sàng về chính trị để tham gia nỗ lực giải tỏa cơn khát dầu cho châu Âu? Các nhà phân tích cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) không nên đặt kỳ vọng quá cao vào nguồn dầu từ khu vực này.

Các quốc gia phương Tây đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng EU vẫn chưa ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt, nguồn thu lớn với Moskva, để tránh làm tổn thương nền kinh tế của chính mình.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu áp lệnh cấm dầu mỏ Nga, EU có thể thiếu hụt khoảng 2,2 triệu dùng dầu thô một ngày và 1,2 triệu thùng các sản phẩm dầu mỏ khác.

Dù các quốc gia Trung Đông nắm giữ gần một nửa trữ lượng dầu mỏ của thế giới và vẫn còn khả năng tăng sản xuất, việc thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xung đột, đấu đá chính trị và các lệnh trừng phạt là những lý do khiến khu vực này khó giải cứu châu Âu nếu các đường ống dẫn dầu từ Nga bị đóng, bình luận viên kỳ cựu từ CNN Nadeen Ebrahim nhận định.

Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là hai quốc gia có tỷ trọng tương đối lớn trong công suất dự phòng có thể tăng ngay của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ở mức khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, theo Amena Bakr, chuyên gia về OPEC tại mạng lưới phân tích năng lượng Energy Intelligence.

Tuy nhiên, nhà sản xuất lớn nhất OPEC là Arab Saudi đã nhiều lần bác bỏ yêu cầu của Mỹ tăng sản lượng khai thác vượt hạn ngạch đã thống nhất với Nga và các nhà sản xuất khác ngoài OPEC. Riyadh cũng cho thấy họ dường như không quan tâm tới lời kêu gọi của châu Âu tăng lượng dầu bơm ra thị trường.

Nhiều nước EU cũng kỳ vọng các nước Trung Đông sẽ chuyển hướng những chuyến tàu dầu cho khách hàng ở châu Á tới châu Âu để bù đắp nhu cầu lớn tại đây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hành động này sẽ khiến các quốc gia Vùng Vịnh chịu những tổn thất nhất định.

Nó chỉ có khả năng xảy ra nếu “các hợp đồng dài hạn có điều khoản linh hoạt hoặc bên mua ở châu Á đồng ý”, Robin Mills, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn về năng lượng Qamar Energy, trụ sở ở Dubai, UAE, nhận xét.

Kịch bản này rất khó xảy ra, bởi khách hàng châu Á mua dầu mỏ chính của Trung Đông là Trung Quốc, quốc gia cũng đang có nhu cầu năng lượng lớn. Hành động giảm nguồn cung tới châu Á để “giải cứu” châu Âu sẽ đe dọa mối quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển giữa khu vực này và Bắc Kinh, chuyên gia lưu ý.

Iraq trên lý thuyết có thể bơm thêm thêm 660.000 thùng dầu/ngày để giải tỏa cơn khát năng lượng của châu Âu, theo Yousef Alshammari, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu tại công ty tư vấn năng lượng toàn cầu CMarkits, trụ sở ở London, Anh.

Nước này hiện sản xuất khoảng 4,34 triệu thùng/ngày và có công suất tối đa 5 triệu thùng. Tuy nhiên, tình trạng chia rẽ bè phái và căng thẳng chính trị ở Baghdad là trở ngại chính khiến Iraq khó lòng ra tay tương trợ châu Âu nếu cơn khủng hoảng dầu nổ ra.

Các nhà phân tích cho biết Iraq cũng thiếu những cơ sở hạ tầng cần thiết để nâng sản lượng, trong khi quá trình đầu tư vào các dự án dầu mỏ có thể phải mất nhiều năm trước khi gặt hái được thành quả.

“Chúng ta phải nhớ rằng dầu mỏ không phải cứ cắm ống xuống để hút lên. Các mỏ khai thác dầu cần đầu tư và khoản đầu tư này cần thời gian để phát huy hiệu quả”, chuyên gia Bakr từ Energy Intelligence nói.

Tại Libya, hoạt động của các mỏ dầu cũng thường xuyên bị gián đoạn do căng thẳng chính trị. Hồi cuối tháng trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm hơn 550.000 thùng/ngày do những nhóm bất mãn chính trị phong tỏa các mỏ dầu và bến cảng xuất khẩu chính.

Một nhà máy lọc dầu đã bị thiệt hại nghiêm trọng sau khi đụng độ vũ trang giữa các phe phái của Libya nổ ra. Quốc gia này “gần như không thể” tăng sản lượng khai thác dầu, bởi một số cơ sở sản xuất đã bị ngừng trệ suốt nhiều năm vì bất ổn chính trị và những tình huống bất khả kháng, Alshammari cho hay.

Iran là quốc gia Trung Đông có khả năng cao nhất bơm thêm dầu vào thị trường toàn cầu, nhưng Tehran đang chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ khi quá trình đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc thế giới hồi năm 2015 đang bị đình trệ.

Theo các nhà phân tích, Iran có thể đóng góp cho thị trường tới 1,2 triệu thùng dầu/ngày nếu lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Công ty dữ liệu Kpler ước tính Iran có 100 triệu thùng trong các kho nổi tính đến giữa tháng hai, đồng nghĩa nước này có thể bổ sung vào thị trường một triệu thùng/ngày, tương đương 1% nguồn cung toàn cầu, trong khoảng 3 tháng liên tục.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ chấp nhận nhượng bộ trong thỏa thuận hạt nhân với Iran chỉ để đưa thêm dầu vào thị trường để giải cứu châu Âu là rất thấp, Bakr đánh giá.

Các quốc gia ngoài Trung Đông có khả năng bơm thêm nguồn dầu dự phòng vào thị trường như Nigeria và Venezuela cũng tồn tại những vấn đề của riêng mình. Venezuela đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi đụng độ giữa các nhóm vũ trang ở Nigeria khiến quốc gia này khó tăng công suất khai thác dầu mỏ.

Alshammari cho biết một quốc gia được coi là có năng lực dự phòng về dầu mỏ khi họ “có khả năng bơm một lượng dầu nhất định ra thị trường trong vòng 30 ngày và duy trì công suất đó trong ít nhất 90 ngày”. Rất ít nhà sản xuất dầu mỏ đạt được năng lực này, nên lệnh cấm dầu Nga “có thể gây bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu”, Alshammari cảnh báo.

Những trở ngại của các ông lớn dầu mỏ ở Trung Đông biến Mỹ trở thành lựa chọn tiềm năng để giải tỏa cơn khát dầu của châu Âu. Nhưng ngay cả khi Mỹ đẩy mạnh sản xuất, dầu thô nhẹ của nước này cũng không phù hợp với nhu cầu thị trường và cũng không thể đủ cung cấp cho châu Âu.

“Dầu thô rất nhẹ của Mỹ không phải lựa chọn lý tưởng cho thị trường châu Âu, đồng thời cũng không phù hợp để sản xuất thêm dầu diesel, thứ mà châu Âu thực sự cần”, chuyên gia Mills từ Qamar Energy nói.

Nguồn tin: vnExpress

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Lo chuyện bao tiêu xăng dầu của nhà máy Nghi Sơn

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tập trung vào khâu bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, xử lý 5 dự án trị giá hàng ngàn tỉ đồng đang thua lỗ ..

Tiêu thụ xăng dầu của người Việt đang ở đâu trong khu vực?

Theo công bố trên bản đồ giá xăng dầu toàn cầu tại trang Globalpetrolprices, tính đến tháng 8/2016 tiêu thụ xăng dầu bình quân đầu người tại Việt Nam ở mức 0,21 lít/ngày, thấp h..

TT dầu TG ngày 4/5: Giá tăng do lo lắng về trừng phạt Iran

Giá đi lên trong ngày hôm nay, tiếp tục tăng trong phiên trước do những nguy cơ địa chính trị từ khả năng Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống lại Iran.
Giá dầu thô kỳ hạn WTI tă..

Giá dầu WTI sụt giảm do dự trữ dầu của Mỹ tăng

Trong phiên giao dịch ngày 23/5, giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) giảm khi số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng ngoài tiên lượng. 
Giá dầu WTI sụt giảm do dự trữ ..