Gian nan lộ trình cắt giảm sản lượng dầu mỏ | Hoanghungpetro.com.vn

Ủy ban giám sát cấp bộ trưởng chung (JMMC) của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC mới đây nhóm họp tại thành phố Xanh Pê-téc-bua (Nga), thảo luận việc thúc đẩy thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Ðại diện các nước đánh giá thỏa thuận bước đầu đem lại tín hiệu tích cực nhưng cần nỗ lực hơn nữa để duy trì lợi ích dài hạn.

Cuộc họp của JMMC và các nước ngoài OPEC tại Xanh Pê-téc-bua (Nga). Ảnh Roi-tơ

Thỏa thuận được các nước thành viên OPEC và một số nước ngoài OPEC dẫn đầu là Nga, đã ký tại Viên (Áo) tháng 11-2016, nhằm giải phóng sản lượng dầu tồn kho toàn cầu và hỗ trợ đẩy giá dầu lên. Trong cuộc họp cuối tháng 5 vừa qua, các bên nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày đến cuối tháng 3-2018. Thỏa thuận này giúp đẩy giá dầu lên mức hơn 58 USD/thùng trong tháng 1-2017; nhưng giảm xuống còn 45 đến 50 USD/thùng khi những nỗ lực giảm hàng tồn kho toàn cầu kéo dài hơn dự kiến. Hiện lượng dầu thô tồn kho toàn cầu giảm 90 triệu thùng nhưng vẫn còn khoảng 250 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm ở các nước phát triển, đó là mức các quốc gia trong và ngoài OPEC hướng đến khi cắt giảm sản lượng.

Là hai quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy giảm sản lượng dầu, song Nga và A-rập Xê-út đều phải đối mặt nhiều áp lực. Trong nửa đầu năm 2017, dù phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, Nga vẫn tuân thủ các thỏa thuận với OPEC về cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, A-rập Xê-út cần mức giá dầu cao hơn để cân bằng ngân sách của mình và hỗ trợ kế hoạch niêm yết của Công ty dầu mỏ Saudi Aramco trong năm tới. Bộ Năng lượng A-rập Xê-út cho biết, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 8 sẽ giữ ở mức 6,6 triệu thùng/ngày, giảm gần một triệu thùng/ngày so cùng kỳ năm ngoái.

Ngay sau khi A rập Xê-út cam kết hạn chế xuất khẩu dầu mỏ từ tháng 8 và OPEC kêu gọi các thành viên tăng cường tuân thủ cắt giảm sản lượng, giá dầu thế giới có xu hướng tăng. Ðây là dấu hiệu khả quan với thị trường dầu mỏ thế giới. Theo Bộ Năng lượng A-rập Xê-út, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến tăng khoảng 1,4 triệu đến 1,6 triệu thùng/ngày vào năm tới, tương đương mức của năm 2017. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ có dấu hiệu giảm, nhu cầu nhập khẩu dầu tăng từ Trung Quốc sẽ hỗ trợ thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới. Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc cho biết, nhập khẩu dầu thô của nước này trong năm nay sẽ vượt 400 triệu tấn và có thể tăng gấp đôi vào năm 2018.

Dù thị trường dầu mỏ thế giới có những tín hiệu tích cực, song thỏa thuận cắt giảm sản lượng chưa tác động nhiều đến thị trường. OPEC vẫn mắc kẹt giữa tình trạng dư thừa nguồn cung, chịu áp lực phải cắt giảm và không thể kiểm soát sản lượng khai thác ở các nước khác. Dù A-rập Xê-út và Cô-oét cắt giảm nhiều hơn cam kết nhưng Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và I-rắc vẫn chưa tuân thủ hoàn toàn các mục tiêu đề ra. Li-bi và Ni-giê-ri-a là hai thành viên ban đầu được OPEC miễn trừ các giới hạn cắt giảm sản lượng để giúp ngành công nghiệp dầu mỏ của hai nước phục hồi sau nhiều năm bất ổn. Tuy nhiên, việc hai nước này nhanh chóng khôi phục sản lượng khai thác cùng với việc khai thác các mỏ dầu đá phiến của Mỹ khiến OPEC gặp không ít khó khăn với mục tiêu cắt giảm sản lượng.

Việc cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá dầu lên đã có những bước tiến, nhưng để có thể duy trì mục tiêu dài hạn cần sự phối hợp, tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận giữa các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài OPEC. JMMC cho biết, OPEC có thể tiếp tục hạn chế sản lượng dầu sau tháng 3-2018 nếu thị trường không thể cân bằng trở lại. 

Nguồn tin: Nhandan.com.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ khiến ngân sách hụt thu hơn 32.500 tỷ đồng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc thực hiện các giải pháp giảm giá xăng dầu sẽ ước giảm khoảng 32.538 tỷ đồng tổng thu ngân sách Nhà nước trong năm 2022.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Tài chín..

Venezuela cáo buộc Mỹ ‘tấn công’ thị trường dầu mỏ toàn cầu

Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo ngày 21/6 cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này chính là một vụ tấn công vào sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Chủ tịch Tập đo..

Triển vọng thị trường dầu năm 2018

Một thị trường giá lên dường như là không thể
Giá dầu thế giới diễn ra như thế nào trong năm 2017?
Giá dầu đã tăng trong năm nay khi hiệp định cắt giảm nguồn cung được ký kết v

Gián đoạn bất ngờ của thị trường dầu mỏ và những yếu tố có lợi cho Tổng thống Trump

Một sự gián đoạn bất ngờ và tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với thị trường dầu mỏ, làm gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu, nhưng dường như không hẳn là toàn bất lợi đối với nền kinh tế lớn..