Một số doanh nghiệp ngành dầu khí ghi nhận lỗ trong quý I/2017 như PVD, PVB, PXI, PVL, PXA…
Giá dầu đã có những diễn biến không thuận lợi trong tháng 4/2017 khi giảm xuống dưới 50 USD/thùng. Nhiều cổ phiếu dầu khí đang được giao dịch ở mức giá thấp kỷ lục và chưa có dấu hiệu sẽ sớm hồi phục.
Mặc dù được dự báo về tình hình khó khăn của Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) trong năm nay nhưng nhiều cổ đông bất ngờ khi Công ty công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 với khoản lỗ ròng gần 9,5 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong quý I/2017 chỉ đạt 22 tỷ đồng, giảm 69%, trong khi giá vốn hàng bán là 22,5 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty mẹ PVD ghi nhận lỗ gần 200 tỷ đồng trong quý I/2017, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 100 tỷ đồng. Một khoản chi phí khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận là chi phí lãi vay (năm 2016 là gần 190 tỷ đồng). Nợ vay tài chính tính đến cuối năm 2016 của PVD là hơn 5.440 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn. Theo giải trình của PVD, các khoản nợ này tập trung tài trợ cho giàn khoan số 6 (đưa vào hoạt động năm 2015), giàn khoan số 2 và giàn khoan số 5.
Ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc PVD nhận định, năm 2017 sẽ là năm khó khăn nhất đối với PVD kể từ khi Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính vì vậy, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu 2.300 tỷ đồng, giảm 57% so với thực hiện năm 2016 và mục tiêu không lỗ. Trong năm nay, PVD sẽ tiếp tục xin giãn số nợ thanh toán, nhưng dự kiến chi phí lãi vay vẫn ở mức cao.
Tình hình khó khăn của PVD dự kiến kéo dài ít nhất 2 năm nữa, nếu giá dầu không hồi phục mạnh. Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, Ban lãnh đạo PVD cho biết, nếu giá dầu vượt trên mốc 60 USD/thùng thì các giàn khoan sẽ không còn tình trạng chờ việc, đồng thời việc trúng thầu sẽ dễ dàng hơn.
Giá dầu ở mức 70 USD/thùng, hoạt động của PVD mới ổn định và phải trên ngưỡng 70 USD/thùng mới kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng. Một lần nữa, giá dầu đang thách thức PVD. Công ty sẽ mở rộng hoạt động bằng việc tìm kiếm các hợp đồng ở nước ngoài như Malaysia, Myanmar nhằm cải thiện tình hình kinh doanh.
Với diễn biến khó khăn về hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu PVD liên tục giảm kể từ đầu tháng 2. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/5, giá cổ phiếu PVD giảm còn 16.500 đồng/CP, đây là mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với tình hình kinh doanh hiện tại của PVD và diễn biến giảm của giá dầu thì việc mua cổ phiếu PVD ở giai đoạn hiện tại giống như “bắt dao rơi”, bởi tất cả đang phụ thuộc vào sự lên xuống thất thường của giá dầu.
Không chỉ PVD, tính đến cuối phiên 3/5, giá của nhiều cổ phiếu dầu khí khác đã giảm xuống mức thấp kỷ lục như PVC ở mức 6.900 đồng/CP, PVB ở mức 10.200 đồng/CP. Hệ số giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/BV) trung bình của ngành dầu khí đang ở mức 1,1, trong đó không ít cổ phiếu có hệ số này dưới 0,5, tức cổ phiếu đang được định giá rất thấp.
Cổ phiếu PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí – CTCP đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2016 âm 33,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ âm 50,36 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, PVC đạt doanh thu trên 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận gần 200 tỷ đồng.
Theo giải trình của PVC, năm 2016, biến động giá dầu khiến nhiều nhà thầu dầu khí giãn/dừng/hủy kế hoạch khoan, làm giảm nhu cầu về dịch vụ dung dịch khoan của Tổng công ty, đồng thời dẫn tới sức ép giảm giá để bảo đảm cạnh tranh, hệ quả là doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Riêng Công ty mẹ lỗ nhiều hơn do phải tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.
Hoạt động kinh doanh của PVC năm 2017 sẽ khó hồi phục nếu giá dầu tiếp tục biến động “không chiều lòng người”. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dầu khí cũng ghi nhận lỗ quý I/2017 như PVB, PXI, PVL, PXA…
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khi cho biết, giá dầu đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Công bố mới đây về lợi nhuận quý I/2017 của Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) cho thấy sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận khi doanh thu hợp nhất đạt 3.280 tỷ đồng, giảm 27% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 210 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đại diện PVS, nếu giá dầu vẫn dao động quanh ngưỡng 50 USD/thùng, chưa bật lên được thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PVS trong những quý tiếp theo.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan.vn
Trả lời