Petrolimex không cần ưu đãi: Nghe buồn lắm…

Petrolimex khẳng định không sử dụng ngân sách, không cần ưu đãi kể cả trong quá khứ hay trong tương lai là quá chủ quan. 

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi – Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông lâm TPHCM nêu quan điểm.

Xăng dầu phủ nhận vai trò của nhà nước: Nghe buồn lắm

PV:- Thưa ông, mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã phát ngôn, Tập đoàn luôn tính toán cẩn trọng khi đầu tư, bởi Petrolimex đã không sử dụng đồng ngân sách Nhà nước nào, không nhận ưu đãi về tài sản được hình thành từ nguồn nhà nước trong suốt gần 30 năm qua. Vị lãnh đạo này còn khẳng định “không cần ưu đãi mang tính chất đặc thù”… Thưa ông, ông có bất ngờ trước những tuyên bố này?

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi:- Mặc dù cơ chế chính sách phát triển của Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn, nhất là sự đổi mới về tư duy kinh tế, nhưng trong lịch sử Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đi theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và đang chuyển dần sang kinh tế thị trường.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Tiền thân của Petrolimex cũng là một doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cũng giống những DNNN khác, toàn bộ tiền vốn đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp này từ cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc cho tới vốn đầu tư hoạt động, chi phí đào tạo nhân lực… tất cả đều là tiền của ngân sách nhà nước bỏ ra. Không phải vốn của một cá nhân hay một doanh nghiệp nào đóng góp trong đó. Như vậy, Petrolimex khẳng định không sử dụng đồng tiền nào từ ngân sách trong suốt 30 năm qua là hoàn toàn không đúng.

Tôi cho rằng, tuyên bố của lãnh đạo tập đoàn Petrolimex sẽ rất đáng được hoan nghênh nếu sau 30 năm, khi đã thực hiện cổ phần hóa, Petrolimex vẫn tự tin đứng vững được, không cần dựa vào “bầu sữa” của ngân sách nhà nước nữa.

Mặc dù vậy, Petrolimex vẫn không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của nhà nước trong quá khứ. Kể cả khi Petrolimex đã thực hiện cổ phần hóa thì nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp này.

Hơn nữa, Petrolimex là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, nắm giữ việc kinh doanh mặt hàng chiến lược của nền kinh tế là xăng dầu, lại được hưởng lợi thế độc quyền tự nhiên trong kinh doanh mà không một doanh nghiệp thông thường nào có được. Vậy thì, khẳng định Petrolimex không sử dụng ngân sách, không cần ưu đãi kể cả trong quá khứ hay trong tương lai cũng là tuyên bố chủ quan.

Do đó, nếu đứng trên cương vị của Nhà nước, ai nghe cũng phải thấy buồn vì rõ ràng nếu không có sự đóng góp của nhà nước thì làm sao Petrolimex sống được tới ngày hôm nay.

PV:- Trước đó Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố nhiều vi phạm của đơn vị trong khoảng thời gian 2010 – 2014. Trong đó, đặc biệt là những vi phạm trong hạch toán chi phí sai so với thực tế, áp dụng định mức vùng không đúng với các quy định giúp mang lại những khoản lợi lớn cho tập đoàn này.

Thêm vào đó, trong điều chỉnh giá xăng thời gian trong năm vừa rồi, doanh nghiệp luôn kêu lỗ nhưng cuối năm báo lãi nghìn tỷ…, điều này phải được nhìn nhận thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi:- Tôi không bình luận cụ thể về kết luận của Thanh tra Chính phủ, đúng sai đã có cơ quan điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh từ các hoạt động của ngành kinh doanh xăng dầu thời gian vừa qua sẽ thấy một chiêu thức rất quen thuộc của các DNNN là: cứ khi nào cần xin là báo lỗ, kêu cứu, xin cơ chế điều chỉnh giá, giảm thuế… nhưng khi cần chia lợi nhuận thì lại báo lãi. Đó là bài quá quen thuộc với các DNNN quen chờ bảo hộ của nhà nước từ nhiều năm qua rồi. Tình trạng này phải chấm dứt, không nên để tồn tại như vậy nữa.

Tất cả những vấn đề đó phải được quản lý công khai, minh bạch, đưa xăng dầu hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, xóa bỏ độc quyền. Đã đến lúc nhà nước cần phải rút lui khỏi ngành xăng dầu, không thể tiếp tục lấy kinh phí ngân sách để bù lỗ cho doanh nghiệp.

PV:- Dư luận nghi ngại, phát ngôn như thế có thể dẫn đến những suy nghĩ chưa đúng về phần đóng góp của Petrolimex vào các nhiệm vụ chung hay sự thiệt thòi của Petrolimex so với các doanh nghiệp nhà nước khác. Ông có chia sẽ nhận định này hay không và vì sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi:- Có thể họ đang muốn hướng tới việc khẳng định vai trò, năng lực của mình trong quá trình điều hành, quản lý. Tuy nhiên, việc một DNNN tự bỏ quên nguồn gốc, xuất thân bằng cách phủ nhận sự đóng góp của nhà nước để nâng tầm vai trò của mình lên là sai lầm, chắc chắn không thể nhận được sự đồng thuận từ dư luận.

Một trong những vai trò, bảo trợ rõ ràng nhất mà một DNNN được hưởng chính là sự độc quyền. Ở Việt Nam hầu hết các lĩnh vực như điện, nước, xăng dầu tồn tại được chính là nhờ sự độc quyền.

Nếu so sánh, rõ ràng DNNN có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp thông thường khác, nhưng sự đóng góp của các DNNN thì lại chưa hề tương xứng với vị thế là một trụ cột của nền kinh tế.

Vì vậy, khi đã đi vào hoạt động theo cơ chế thị trường, DNNN tiến tới phải thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp sẽ phải tự canh tranh để tồn tại. Đến lúc đó, dù có so sánh ai được ưu đãi hơn ai sẽ không còn nhiều giá trị nữa.

Nguồn tin: Baodatviet

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Điểm tin thị trường xăng dầu thế giới hôm nay, 01/7/2022

Giá dầu thô kỳ hạn trong giờ giao dịch tại châu Âu hôm thứ Sáu nhích tăng nhẹ khi các nhà đầu tư một lần nữa lo ngại về sự phá hủy nhu cầu và suy thoái kinh tế trước sự cân bằng cung/cầu thắt chặt trong nửa cuối năm 2022.
Giá dầu thô ICE Brent thá..

Giá xăng dầu hôm nay (11-5): Dầu thế giới giảm, xăng trong nước tăng?

Chỉ trong hai ngày, giá dầu đã giảm tới 10% do triển vọng nhu cầu thấp và đồng “bạc xanh” mạnh hơn. Giá dầu Brent trượt dốc còn hơn 102 USD/thùng. Xăng dầu trong nước dự báo sẽ tăng trong ngày hôm nay.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, ..

Ước tồn Quỹ bình ổn giá xăng tại Petrolimex là 2.953 tỷ đồng

 Đây là con số về Quỹ bình ổn giá xăng vừa được Petrolimex đưa ra sau khi giá xăng trong nước tăng nhẹ ngày 19/1/2018.
Theo Petrolimex, trước thời điểm 15 giờ 00 ngày 19/1/2018, Quỹ bình ổn..

Các quỹ phòng hộ đang vội tháo chạy khỏi hợp đồng dầu tương lai

Các nhà đầu tư đã bán hạ giá các sản phẩm phái sinh liên quan đến xăng dầu vào tuần trước với một trong những tốc độ nhanh nhất của thời đại đại dịch khi lo ngại suy thoái gia tăng.
Theo đó, các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ khác đã bán số..