Tính đến hết quý 1/2017, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn 2.864,527 tỉ đồng.
Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo cho biết tổng số trích Quỹ Bình ổn giá (BOG) trong quý 1/2017 (từ ngày 1.1.2017 đến hết ngày 31.3.2017) là 1.207,772 tỉ đồng. Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý 1/2017 là 780,647 tỉ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý 1/2017 là 3,210 tỉ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG âm trong quý 1/2017 là 52 triệu đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết thêm trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có số dư quỹ quý 1/2017 cao nhất, đạt hơn 2.000 tỉ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM có số dư quỹ là 231,5 tỉ đồng; Tổng Công ty Dầu Việt Nam là 133,2 tỉ đồng.
Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp có số dư quỹ âm như: Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải có số quỹ âm hơn 30,5 tỉ đồng; Công ty CP Lọc hóa dầu Việt Nam âm 24,6 tỉ đồng… Trong khi đó, số dư quỹ BOG tại thời điểm ngày 1.1.2017 là 2.389,891 tỉ đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, TS Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng nên xét lại tính hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bởi lẽ các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khẳng định sự tồn tại của quỹ này là cần thiết. Tuy nhiên, khi diễn biến giá xăng dầu không quá “sốc” như hiện nay, vai trò của quỹ khá mờ nhạt
TS Độ nhận định về mặt khoa học, quỹ BOG là khá “vô thưởng vô phạt” trong việc bình ổn giá xăng dầu. Vì quỹ chỉ thực sự phát huy tác dụng khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng đột biến với biên độ cực lớn.
Khi đó quỹ sẽ giúp giảm áp lực tăng giá xăng, đồng thời cũng giảm áp lực cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, quỹ cần nguồn dự trữ cực lớn, mà điều này là bất khả thi bởi lạm thu quá nhiều trong thời điểm giá dầu thấp để tạo nguồn quỹ “khủng” có thể gây tâm lý không đồng thuận.
Nguồn tin: Motthegioi.vn
Trả lời