Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ (Thalexim) vừa đưa 11,83 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán TLP, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.800 đồng/cổ phiếu.
Theo đánh giá của giới đầu tư và các chuyên gia tài chính, việc Tổng công ty Thanh Lễ lên sàn cũng là một “hiện tượng” của thị trường chứng khoán Việt Nam khi cấp tốc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chỉ sau phiên IPO đúng 5 tuần.
Lên sàn cấp tốc sau phiên IPO “hoành tráng”
Trước đó, ngày 31/10/2017, Thalexim đã đưa 11,8 triệu cổ phiếu ra bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO). Trong đợt IPO này, Thalexim quy định khá “ngặt” là cổ phiếu phân phối qua đấu giá không hạn chế chuyển nhượng, nhưng cổ phiếu phân phối cho đối tác chiến lược sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm.
Công ty cũng chỉ chọn tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược và tiêu chí chọn đối tác chiến lược là có vốn điều lệ tối thiểu 600 tỷ đồng, lợi nhuận ròng dương trong 3 năm 2014 – 2016, có kinh nghiệm và kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực tương đồng với công ty…
Dù vậy, ngay khi được chào bán, Thanh Lễ đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư (258 nhà đầu tư đăng ký) với số lượng cổ phiếu đặt mua là 57.357.300 cổ phiếu, gấp 5 lần lượng chào bán ở mức giá khởi điểm 10.600 đồng/cổ phiếu. Kết quả, Thanh Lễ đã đấu giá khá thành công với mức giá bình quân 14.823 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% so với giá khởi điểm.
Trong đợt chào sàn UPCoM lần này, số cổ phần Thalexim đưa lên giao dịch bằng đúng số cổ phần bán thành công trong phiên IPO, tức 11,83 triệu cổ phiếu.
Theo kế hoạch, Thalexim dự kiến sẽ chào bán gần 108 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 45,55% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Ngoài ra, số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 1 triệu cổ phiếu, chiếm 0,45% vốn điều lệ Công ty. Sau cổ phần hóa, cổ đông Nhà nước nắm giữ gần 116 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, trước năm 2019, nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn tại Thalexim từ mức 49% xuống dưới 36% vốn điều lệ và Thalexim sẽ trở thành một công ty đại chúng đúng nghĩa.
“Trùm” xăng dầu Bình Dương hấp dẫn thế nào?
Giống như Becamex, Thalexim cũng là một doanh nghiệp”con cưng” của tỉnh Bình Dương. Tổng công ty này hiện có 11 đơn vị trực thuộc và 6 công ty thành viên, hoạt động ở ba lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy và bất động sản.
Trong đó, nhập khẩu và phân phối xăng dầu là mũi nhọn của công ty, chiếm phần lớn doanh thu hàng năm (khoảng 98% tổng doanh thu) với hệ thống khoảng 900 cửa hàng đại lý xăng dầu trải dài khắp 13 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Trong số các doanh nghiệp mà Thalexim nắm giữ cổ phần, phải kể đến Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (UPCoM: MVC). Đây là công ty có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, đang quản lý quỹ đất hơn 470.000 m2 nằm rải rác tại Bình Dương để phục vụ khai thác và sản xuất gạch ngói.
Về bất động sản thương mại, công ty này đang sở hữu tổng cộng hơn 8.500 m2 đất ở các dự án khu dân cư Bình An, Tân Phước Khánh và khu nhà ở Hóa An. Trong đó, khu nhà ở Hóa An có diện tích lớn nhất với hơn 4.700 m2 tại xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
Cũng vì sở hữu nhiều công ty con nên hàng năm doanh thu hoạt động tài chính của Thalexim có nguồn thu rất lớn từ cổ tức, lợi nhuận được chia từ công ty con và công ty liên kết. Chẳng hạn, năm 2014 là 95 tỷ đồng, năm 2015 là 115 tỷ đồng, và năm 2016 là 135 tỷ đồng.
Về “sức khỏe” tài chính của Thalexim, tại thời điểm 31/12/2016, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 1.701 tỷ đồng; tổng tài sản ở mức 6.062 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng so với năm 2015, chủ yếu do mất hợp nhất công ty con với Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Thalexim giảm tỷ lệ sở hữu từ 100% về 49%).
Năm 2016, Thalexim đạt tổng doanh thu 6.624 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 89,5 tỷ đồng. Mặc dù lãi gấp đôi cùng kỳ (năm 2015 đạt gần 42 tỷ đồng), song tổng doanh thu lại chỉ còn một nửa so với năm 2015 (13.733 tỷ đồng) và bằng chừng ¼ mức đỉnh năm 2014 (24.766 tỷ đồng).
Lý giải nguyên nhân dẫn đến doanh thu sụt giảm trong năm 2016 là do giá dầu thế giới giảm liên tục, kéo dài và do ảnh hưởng bởi cơ chế điều hành giá xăng dầu của Nhà nước. Để bảo toàn vốn kinh doanh trong xu thế giá dầu giảm, các đại lý, tổng đại lý của Thalexim chỉ mua hàng cầm chừng, giảm dự trữ để tối ưu hóa hàng tồn kho…
Mặc dù doanh thu có phần giảm sút nhưng với quy mô “khủng” trong ngành kinh doanh xăng dầu, sở hữu tới 39 khu đất (trong đó có 37 khu đất tại tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích 301,26ha; khu đất vàng tại 102 Nguyễn Du, TP. HCM với diện tích 563m2 và khu đất 16.727m2 tại Thừa Thiên Huế)… rõ ràng sức hút của Thalexim là không nhỏ trong mắt giới đầu tư khi cổ phiếu Thalexim cũng ở mức vừa phải.
Nguồn tin: vietnamfinance.vn
Trả lời