Trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao sao khi đạt đỉnh 4 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến sự lao dốc của nhóm cổ phiếu ngành xăng dầu.
Ảnh minh họa.
GAS, PLX “bốc hơi” hơn 30% giá trị trong quý II
Trên thị trường New York, chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tháng 8/2018 tăng 18 cent tương đương 0,24% lên 74,32USD/thùng. Trong khi đó tại thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 9/2018 tăng 39 cent tương đương 0,5% lên 78,15USD/thùng, trong phiên giao dịch đã có lúc giá dầu chạm mức 78,25USD/thùng.
Tuy nhiên tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số Vn-Index lại liên tục lao dốc với 3 tháng điều chỉnh liên tiếp khiến quý II/2018 trở thành quý có diễn biến tệ nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Kết thúc phiên ngày 04/07, Vn-Index dù tăng 0,99% đóng cửa ở mức 914,99 điểm nhưng vẫn giảm gần 24% tính từ đỉnh 1.200 điểm hồi đầu tháng 4. Hầu hết các nhóm cổ phiếu chính đều có sự điều chỉnh ít nhiều.
Các cổ phiếu nhóm xăng, dầu đi ngược với biến động của giá dầu. Đáng chú ý có 2 “ông lớn” là cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP và cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Tính riêng trong quý II/2018, cổ phiếu GAS đã bốc hơi hơn 35% giá trị so với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của quý I. Chốt phiên 04/07/2018, cổ phiếu GAS giảm 4,2% đóng cửa ở mức 79.500 đồng/cổ phiếu.
Một trong những lý do dẫn khiến cổ phiếu GAS lao dốc có thể từ kế hoạch kinh doanh quá thận trọng trong năm 2018.
Theo đó, với giả thuyết giá dầu Brent 2018 ở mức 50 USD/thùng, PVGas dự kiến khối lượng tiêu thụ vào khoảng 9,3 tỷ m3 khí, giảm hơn 3% so với mức 9,6 tỷ cùng kỳ. Các chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 55.726 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 6.429 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 3,5% và 33,5% so với kết quả năm 2017.
Thực tế, nhờ giá dầu trung bình đạt 71 USD/thùng, cao hơn so với giá kế hoạch 42% đồng thời sản lượng khí khô, LPG, Condensate ước vượt kế hoạch từ 5% – 6%, tương đương cùng kỳ năm 2017: khí ẩm vào bờ vượt 4%, khí khô tiêu thụ vượt 5%, LPG (công ty mẹ) vượt 26%…. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 37.455 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 6.602 tỷ đồng, đạt 82%; lợi nhuận sau thuế 5.323 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, cổ phiếu PLX khả quan hơn đôi chút khi tăng nhẹ 0,9% đóng cửa ở mức 55.600 đồng/cổ phiếu ngày 04/07/2018. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu tháng 4, PLX cũng đã bay mất gần 31% giá trị.
Kế hoạch kinh doanh cả năm 2018 của Petrolimex cũng khá khiêm tốn với 12.537 triệu m3 sản lượng xăng dầu xuất bán, doanh thu dự kiến đạt 158.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 5.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,8% và 4,5% so với thực hiện năm 2017.
Tính riêng trong quý I/2018, Petrolimex đạt 45.430 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 27% so với quý 1 năm ngoái, báo lãi trước thuế 1.206 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 1.003 tỷ đồng, giảm gần 10% so với lợi nhuận đạt được cùng kỳ năm ngoái.
“Đau đầu” vì tỷ giá
Một vấn đề “đau đầu” khác mà những doanh nghiệp ngành xăng dầu phải đối mặt trong quý II vừa qua và có thể là cả phần còn lại của năm 2018 là tỷ giá. Với tác động mạnh của sự tăng giá đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng cao ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp có dư nợ USD lớn.
Cụ thể, PVGas với tổng dư nợ USD tại thời điểm 31/3/2018 xấp xỉ 278 triệu USD (48,6 triệu ngắn hạn và 229 triệu dài hạn). Chưa kể, PVGas còn phải mua USD phục vụ nhập khẩu LPG và thanh toán cho các nhà thầu cung cấp máy móc thiết bị, công trình dầu khí. Với Petrolimex, riêng phần lãi chênh lệch tỷ giá ghi nhận quý I/2018 đã giảm hơn 80 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Vay nợ USD cao còn có Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) đang “ôm” gần 31 triệu tính đến cuối năm 2017, đây là những khoản vay dài hạn đầu tư căn cứ cảng, tàu dịch vụ, thiết bị chuyên ngành…
Hay Tổng Công ty Dầu Việt Nam (mã OIL) phải thanh toán nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài khoảng 850 triệu USD/năm. Tân binh Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng dự kiến nhu cầu khoảng 1 tỷ USD/năm để trả tiền mua dầu thô nguyên liệu và trả nợ vay có gốc ngoại tệ.
Thực tế, cổ phiếu cả 3 doanh nghiệp trên đều đã giảm từ 25-30% giá trị so với thời điểm đầu quý II/2018. Thậm chí PVS còn giảm hơn 50% so với đỉnh 32.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 1. Chốt phiên giao dịch 04/07/2018, PVS giảm 0,6% đóng cửa ở mức 15.900 đồng/cổ phiếu. BSR giảm 4,1% đóng cửa mức 16.500 đồng/cổ phiếu. OIL giảm 1,3% đóng cửa mức 15.400 đồng/cổ phiếu.
Nguồn tin: Bizlive.vn
Trả lời