Tình hình buôn lậu xăng dầu ngày càng diễn biến phức tạp trên vùng biển tỉnh Kiên Giang và biên giới ở tỉnh An Giang.
Sáng 31.7, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống buôn lậu 6 tháng đầu năm 2018, ông Đàm Thanh Thế – Chánh văn phòng – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (VP389) – cho biết: Tình hình buôn lậu 6 tháng đầu năm ngày càng phức tạp, tinh vi. Lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 88.229 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thu nộp NSNN 7.427 tỉ 727 triệu đồng; khởi tố 887/889 đối tượng. Đặc biệt, tình hình buôn lậu xăng dầu ngày càng diễn biến phức tạp trên vùng biển tỉnh Kiên Giang và biên giới ở tỉnh An Giang.
Bộ đội Biên phòng kiểm tra 1 tàu vận chuyển 100.000 lít dầu DO có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Lê Đồng
Muôn mánh khóe đối phó với lực lượng truy quét
Theo Đại tá Trần Văn Nam – Cục trưởng Cục nghiệp vụ pháp luật – Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam – trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển có biểu hiện gia tăng cả quy mô và số lượng hàng hóa, tập trung chủ yếu ở các vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang và vùng biển giáp ranh các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Sau khi tuần tra trên biển, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện, xử phạt hàng trăm vụ vi phạm.
“Thủ đoạn của việc buôn lậu xăng dầu vẫn do một số đối tượng người Việt Nam móc nối, giao dịch với đầu nậu người nước ngoài để thỏa thuận về giá, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán… Sau khi hàng về đến gần vùng biển Việt Nam, các đối tượng chuẩn bị sẵn bộ hồ sơ hàng hóa để đối phó với cơ quan chức năng nếu bị phát hiện, bắt giữ” – Đại tá trần Văn Nam nhấn mạnh.
Điều đáng nói là, một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá sau khi cung cấp hết số dầu hợp pháp, sẽ lấy dầu từ các tàu nước ngoài buôn lậu trên biển để tiếp tục bán cho ngư dân nhằm thu lợi bất chính, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì sử dụng lại hóa đơn của số dầu đã bán hết để đối phó. Những hóa đơn này được tái sử dụng nhiều lần. Đây là tình trạng nhức nhối mà lực lượng chức năng đang phải đối mặt.
Tại các vùng biển miền Bắc và miền Trung, đối tượng buôn lậu thường lợi dụng chế độ pháp lý trên vùng biển đặc quyền kinh tế đối với các nước theo Công ước luật biển 1982 để thực hiện hành vi buôn lậu xăng dầu; sử dụng vận đơn quốc tế xoay vòng trong cùng 1 công ty; sử dụng các tàu không số hiệu, số hiệu giả để giao dịch, mua bán, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Nhiều ý kiến cho rằng, do giá xăng dầu trong nước chênh lệch từ 2.500 – 4.000 đồng/lít so với các nước trong khu vực, nên việc buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến rất phức tạp. Theo bà Lê Minh Phụng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Kiên Giang – các đơn vị bán xăng dầu chỉ có cơ sở bán trên bờ chứ chưa có phương tiện cung cấp xăng dầu cho tàu đánh bắt trên biển, đây là yếu tố cho các chủ tàu mua lậu xăng dầu ngoài khơi…
Lắp camera tại một số điểm trọng yếu
Trước tình hình buôn lậu ngày càng phức tạp, các đối tượng lại manh động, liều lĩnh, nhiều địa phương đã kiến nghị cho lắp đặt camera tại một số điểm trọng điểm ở các tuyến. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến – Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – cho biết: Bộ tư lệnh cũng xác định và quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị trong việc xây dựng và triển khai hiệu quả công tác chống buôn lậu ở địa bàn mình. Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng triển khai kế hoạch sát với tình hình địa bàn, xác định cụ thể địa bàn trọng điểm, kiểm soát vùng biển, tàu thuyền, ngư dân khi ra biển, cửa khẩu đường mòn, lối mở và khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới. Phối hợp với các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung khảo sát đánh giá đường dây, ổ nhóm buôn lậu để phòng chống có hiệu quả, nhất là tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.
Nguồn tin: laodong.vn
Trả lời