Giá phục hồi mạnh trong những tháng gần đây đã giúp các “ông lớn” dầu khí toàn cầu đạt được các mức lợi nhuận lớn trong quí 1-2018.
Các ông lớn dầu khí toàn cầu như Shell, Chervon, ConocoPhillips, BP, ExxonMobil đều công bố các mức lãi trong quí 1, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: US Herald
Đua nhau báo lãi lớn
Hôm 28-4, tập đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina) thông báo trong quí 1, tập đoàn này đạt mức lãi ròng 10,15 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ đô la Mỹ), tăng 78% so với mức lãi 5,7 tỉ nhân dân tệ vào cùng kỳ năm ngoái dù trong quí, doanh thu chỉ tăng 9,9%.
PetroChina, chiếm hơn 50% tổng sản lượng dầu khí Trung Quốc, đang được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu do tác động của thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một nhóm nước sản xuất dầu ngoài OPEC do Nga dẫn đầu.
Giá dầu Tây Texas và Brent trung bình trong quí 1-2018 cao hơn 22% so với quí 1-2017 và đang lần lượt ở mức trên 68 đô la Mỹ và 74 đô la Mỹ mỗi thùng.
Điểm sáng trong báo cáo tài chính quí 1 của PetroChina là lợi nhuận hoạt động của mảng khai thác và thăm dò dầu khí tăng vọt 5 lần lên mức 9,7 tỉ nhân dân tệ dù sản lượng khai thác không tăng. Tuy nhiên, PetroChina chịu lỗ 5,8 tỉ nhân dân tệ ở mảng khí tự nhiên nhập khẩu do chi phí nhập khẩu cao giá cao nhưng phải bán lại ở thị trường trong nước với mức giá do nhà nước kiểm soát.
Cùng ngày, tập đoàn dầu dầu mỏ quốc gia Mexico Pemex cho biết lợi nhuận ròng trong quí 1 đạt 6,2 tỉ đô Mỹ, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá dầu thô tăng và đồng peso tăng giá so với đồng đô la Mỹ, giúp doanh thu xuất khẩu tăng 23,8%.
Hôm 27-4, tập đoàn dầu khí Chervon (Mỹ) ghi nhận lợi nhuận của tập đoàn này trong quí 1 đạt 3,64 tỉ đô la Mỹ, tăng so với mức 2,68 tỉ đô là Mỹ vào cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận khả quan này là thành quả từ nỗ lực trong nhiều năm của Chervon nhằm tăng sản lượng dầu khí, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu đá phiến. Ông Mark Nelson,, Phó Chủ tịch Chervon, nhận định nhu cầu dầu toàn cấu sẽ tiếp tục trong tương lai gần.
Cùng ngày, tập đoàn dầu khí lớn nhất Mỹ ExxonMobil thông báo đạt lợi nhuận 4,7 tỉ đô la Mỹ trong quí 1, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, hôm 26-4, ConocoPhillips, một ông lớn dầu khí khác của Mỹ, công bố mức lợi nhuận quí 1 vượt mức kỳ vọng nhờ giá dầu thô, sản lượng khai thác tăng và cắt giảm chi phí cũng như bán tài sản. Trong quí vừa qua, ConocoPhillips thu về lợi nhuận 800 triệu đô la Mỹ, tăng khá so với mức 586 triệu đô la Mỹ vào cùng kỳ năm ngoái.
Mảng dầu khí đá phiến của ConocoPhillips giờ đây có lợi nhuận nếu giá dầu Tây Texas ở mức giá 45 đô la Mỹ/thùng.
Tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell (Hà Lan) ghi nhận trong quí vừa qua, tập đoàn này lãi 5,3 tỉ đô là Mỹ, tăng 42% so với cách đây một năm, chủ yếu nhờ giá dầu khí tăng. Đây là cũng là mức lãi lớn theo quí lớn nhất của Royal Dutch Shell trong hơn ba năm qua.
Trong khi đó, dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng theo dự báo của các nhà phân tích, tập đoàn dầu khí BP (Anh) sẽ đạt lợi nhuận khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ trong quí 1, tăng so mức 1,5 tỉ đô la vào cùng kì năm ngoái.
Không dám mở rộng đầu tư
Mặc dù đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào nhờ giá dầu tăng và nguồn cung dầu đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, rất ít các ông lớn dầu khí chi tiêu đầu tư mạnh. Giá dầu đã tăng 50% kể từ năm ngoái nhưng ngân sách dành cho các hoạt động khoan thăm dò ở các ông lớn dầu khí chỉ tăng khoảng 7%, theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.
Các công ty dầu khí đại chúng đang rất thận trọng trong việc mở rộng đầu tư vì họ chịu sức ép từ các nhà đầu tư sau khi vung tiên chi tiêu mạnh mẽ vào thập niên trước khi giá dầu tăng cao nhưng chỉ thu về các mức lợi nhuận kém ấn tượng.
Ông Ben van Beurden, Giám đốc điều hành tập đoàn Royal Dutch Shell, cho biết niềm tin mới được thiết lập lại được trong ngành dầu khí đang rất mong manh.
Hai năm trước đây, 30 công ty dầu khí hàng đầu của Mỹ chiếm gần 64% sản lượng khai thác tại Mỹ nhưng con số đó dự kiến sẽ giảm về mức 60% trong năm nay, theo công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy.
Michele Della Vigna, Giám đốc mảng nghiên cứu ngành công nghiệp năng lượng ở Ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng ngành công nghiệp dầu khí đang bước vào “kỷ nguyên thận trọng”, đối lập với “kỷ nguyên mở rộng đầu tư” vào thập niên 2000.
Phản ứng thận trọng của các tập đoàn dầu khí lớn nhất toàn cầu diễn ra giữa lúc tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu trong bốn năm qua dường như sắp kết thúc. Trong báo cáo đưa ra vào tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nếu các tập đoàn dầu khí trên toàn cầu không đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm những trữ lượng dầu mới, thị trường dầu sẽ chuyển từ tình trạng dư thừa sang giai đoạn thiếu hụt vào năm 2023. Song giới đầu tư và các lãnh đạo ở các tập đoàn dầu khí lớn vẫn nghi ngờ khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao đến hết năm nay.
Mấu chốt của mối lo ngại này là nhiều dự báo hiện nay cho rằng sản lượng dầu của Mỹ sẽ lên mức 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, nhanh hơn một năm so với các dự báo trước đó, chủ yếu do các công ty dầu khí có quy mô nhỏ đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến để tận dụng giá dầu cao. Dĩ nhiên, điều này sẽ gây áp lực giảm giá cho dầu thô trong thời gian sắp tới.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn
Trả lời