Dù cố gắng thế nào, châu Âu vẫn không thể từ bỏ khí đốt của Nga.
Ảnh Internet
Hôm thứ Ba (5/6), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được chào đón nồng nhiệt tại Vienna (Áo) trong ngày kỷ niệm lần thứ 50 Áo trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên nhập khẩu khí đốt của Liên Xô kể từ Chiến tranh lạnh.
Đây là một chuyến thăm hiếm hoi sau khi châu Âu áp lệnh trừng phạt đối với Nga bởi hành động của nước này tại Ukraine vào năm 2014, và lên án mối liên hệ của Moscow trong vụ hạ độc cựu gián điệp Nga Sergei Skripal ở Anh.
“Thật bất thường khi một nhà lãnh đạo châu Âu được Tổng thống Putin đến thăm cấp nhà nước tại thủ đô, trong bối cảnh căng thẳng hiện tại giữa Nga và châu Âu”, chuyên gia tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ – Kristine Berzina cho biết.
Tuy nhiên, sự đối nghịch giữa hai bên kết thúc khi nói đến lĩnh vực năng lượng, bởi các nhà lãnh đạo châu Âu nhận thức rõ rằng hàng triệu hộ gia đình sẽ không được sưởi ấm nếu Nga “tắt” đường ống dẫn khí.
Nhập khẩu khí tốt từ Nga vẫn tiếp tục tăng
Theo Ủy ban châu Âu (EC), EU nhập khẩu 69% lượng khí đốt tự nhiên. Số liệu mới nhất cho thấy 37% lượng khí đốt được nhập khẩu từ Nga, 33% từ Na Uy và 11% từ Algeria. Dù EU cam kết giảm phụ thuộc khí đốt của Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine, song xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU vẫn tăng lên mức cao kỷ lục trong hai năm qua. Trong đó, Áo nhập khẩu gần gấp đôi lượng khí đốt từ Nga trong quý I/2018 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Có rất nhiều lý do cho điều này, cụ thể là sản lượng sụt giảm tại hà Lan, thực tế một số dự án khí hóa lỏng bị trì hoãn và khí đốt Nga rất cạnh tranh về giá cả. Thực tế, khó đốt Nga là lựa chọn tốt nhất”, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Khí Tự nhiên tại Viên Nghiên cứu Năng lượng Oxford – ông James Henderson cho biết.
Một số quốc gia EU, đặc biệt là các nước gần Nga, vẫn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Hơn nữa, phần lớn khí đốt tự nhiên của Nga được bơm qua Ukraine, con đường đầy rủi ro bởi xung đốt giữa hai nước.
Một trung tâm khí đốt ở Baumgarten (Áo). Ảnh: CNN
Nga cũng cần châu Âu
Trước đây, Nga đã tận dụng sự phụ thuộc của Ukraine vào năng lượng của mình như một cách để gây sức ép lên quốc gia này. Một số nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng Nga có thể áp dụng chiến lược tương tự đối với EU để trả đũa cho các lệnh trừng phạt.
“Tuy nhiên điều này không thực sự xảy ra”, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Quốc tế Phần Lan Marco Siddi cho biết. “67% doanh thu thuế Nga đến từ xuất khẩu năng lượng. Nga cần quan hệ thương mại này hơn EU”, ông Siddi nói.
Các kế hoạch về đường ống dẫn khí mới tránh đi qua Ukraine đã được thực hiện trong nhiều năm, song châu Âu vẫn chia rẽ sâu sắc về dự án này.
Những người phản đối cho rằng đường ống Nord Stream 2 sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga. Trong khi đó, Đức và một số quốc gia khác cho rằng đường ống sẽ cải thiện an ninh năng lượng châu Âu tốt hơn.
“Sức ép chính trị liên quan khí đốt có mức độ khác nhau giữa các quốc gia. Tôi cho rằng ở Áo, và ở Đức… các mối quan hệ kinh tế với ngành năng lượng lớn hơn vấn đề chính trị”, chuyên gia Berzine cho hay.
Phụ thuộc nhiều thập kỷ
EU đã có nhiều bước đi nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Chẳng hạn, EU đã đầu tư các trung tập nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng ở Ba Lan và Lithuania để có thể sử dụng khí đốt từ các nước khác.
Các nhà sản xuất Mỹ cũng đang cố gắng xuất khẩu nhiều khí tự nhiên sang châu Âu, nhưng hầu hết không thể cung cấp giá cạnh tranh được với Nga.
Châu Âu cũng đã xay dựng hệ thống kết nối đường ống dẫn khí tốt hơn giữa các nước, để có thể chia sẻ lượng khí khi cần thiết, trong khi vẫn giữ mức giá cạnh tranh.
Mặc dù vậy, châu Âu có thể vẫn còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong nhiều thập niên tới. “Châu Âu là một khu vực nhập khẩu năng lượng lớn. Không có nhiều lựa chọn ngoài việc giảm sử dụng khí đốt nói chung”, ông Henderson nhận xét.
Nguồn tin: baodauthau.vn
Trả lời