Xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Mọi sự tăng giảm về giá, thuế đối với nó đều ảnh hưởng tới nền kinh tế của quốc gia.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất sẽ tăng hai loại thuế đối với xăng dầu. Cụ thể: Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ tăng từ 3.000-8.000 đồng/lít (hiện nay là 1.000-4.000 đồng/lít), dự kiến áp dụng từ ngày 1.7.2018. Và, thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ tăng từ 10% lên 12%, dự kiến áp dụng từ ngày 1.1.2019. Trong lúc đó, thuế xuất nhập khẩu cho xăng dầu, từ ngày 1.1.2018, sẽ tiến dần tới mức được hưởng thuế suất bằng 0% vào năm 2024, khi VN tuân thủ hiệp định thương mại tự do trong khối Asean.
Như vậy, với 4 loại thuế đang “bổ” vào xăng dầu gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế BVMT, thì chỉ có 1 loại thuế (nhập khẩu) được giảm dần bằng 0%, 1 loại (tiêu thụ đặc biệt) giữ nguyên và có tới 2 loại thuế là VAT và BVMT, lại sắp sửa tăng. Vấn đề đặt ra là liệu việc tăng 2 loại thuế trên là có lợi hay có hại, trong khi xăng dầu vốn là mặt hàng chiến lược, liên quan mật thiết tới sự sống còn của nền kinh tế quốc gia?
Rất nhiều DN, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng hai loại thuế trên phải… hết sức cân nhắc. Việc tăng thuế BVMT lên con số 8.000 đồng/lít là quá cao, cộng với thuế VAT lên 12%, chắc chắn sẽ đẩy giá xăng dầu…cao chót vót. Nên nhớ, với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, một khi giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến rất nhiều ngành nghề, dịch vụ, mặt hàng… tăng theo. Điều này dẫn tới chi phí đầu vào đội lên đột ngột, tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả đầu ra của toàn bộ nền kinh tế v.v…
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân – ĐH Kinh tế TPHCM – nhận định: “Cần phải hết sức cẩn trọng trong chuyện đề xuất tăng thuế một cách đột ngột, tăng sốc đối với xăng dầu. DN không chỉ nai lưng ra “cõng” tăng thuế xăng dầu, mà hiện nay, DN còn phải “cõng” rất nhiều các loại tăng chi phí khác như: Phí cầu đường BOT, phí lưu kho bãi, phí hạ tầng cảng biển v.v… Một khi tăng thuế xăng dầu mà không tính tới chuyện… khoan sức cho DN thở, dễ dẫn tới mặt bằng giá cả toàn xã hội sẽ đắt đỏ, tăng vọt và cuối cùng là lạm phát”. Cho nên, không thể vì nôn nóng tăng nguồn thu cho ngân sách, do bị thâm hụt từ nhiều nguồn khác, mà ép tăng thuế xăng dầu trong tình thế hoàn toàn không thích hợp. Coi chừng lợi ít mà hại cho nền kinh tế thì lại nhiều.
Nguồn tin: Laodong.vn
Trả lời