Tập đoàn Sovico của tỷ phú Phương Thảo cũng với Shell, Idemitsu, KPE (Kawait), Puma (Thụy Sỹ), SK (Hàn Quốc) đều muốn bước chân vào lĩnh vực phân phối xăng dầu đầy tiềm năng.
Ảnh: PVOil
Tin từ PVN cho biết, gần 300 nhà đầu tư đã tham dự Hội thảo cơ hội đầu tư cổ phiếu PVOil (roadshow) hôm 10/1 tại TP.HCM, trước khi công ty này IPO vào ngày 25/1 tại HOSE.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil cho biết, doanh thu hợp nhất năm 2017 công ty ước đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 165% kế hoạch năm. Lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 325 tỷ đồng, lợi nhuận các công ty con ước đạt 154 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 405 tỷ đồng, hoàn thành 125% kế hoạch năm.
Nếu tính đầy đủ khoản thuế form D đang chờ hoàn thì lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 540 tỷ đồng, hoàn thành 166% kế hoạch năm của PVOil.
Cũng tại hội thảo, ông Dương đã chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng về các lợi thế, cơ hội đầu tư vào PVOil, định hướng và giải pháp phát triển sau cổ phần hóa…
Đến thời điểm hiện tại đã có 8 nhà đầu tư muốn làm cổ đông chiến lược của PVOil, trong đó có 6 nhà đầu tư ngoại là Shell, Idemitsu, KPE, Puma (Thụy Sỹ), SK (Hàn Quốc) và một nhà đầu tư đến từ Trung Đông; tổ chức trong nước đáng chú ý là công ty liên quan đến tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Idemitsu, KPE là hai nhà đầu tư vào dự án lọc dầu Nghi Sơn, một điều kiện để các tập đoàn nước ngoài được tham gia phân phối xăng dầu ở Việt Nam. Hệ thống trạm xăng của PVOil sẽ là kênh phân phối sản phẩm của nhà máy Nghi Sơn nếu một trong hai tập đoàn này hoặc cả hai trở thành đối tác chiến lược của PVOil. Tuy nhiên hai tập đoàn này cũng đã được mở cửa hàng phân phối xăng dầu đầu tiên ở Hà Nội tháng 10/2017.
PVOil hiện đang nắm giữ 22% thị phần (xếp sau Petrolimex với 48% thị phần) tại Việt Nam với hệ thống phân phối rộng khắp trên toàn quốc với gần 540 COCO (điểm bán lẻ xăng dầu trực thuộc) và 3.000 đại lý phân phối (DODO).
Khác với Petrolimex (chủ yếu tiêu thụ xăng nhập khẩu), nguồn xăng của PVOil chủ yếu xuất xứ trong nước từ nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR), khoảng 1,8 – 2 triệu m3, tương đương 55% – 60% sản lượng bán ra của công ty. Dù vậy, quy định xem xét điều chỉnh giá bán 15 ngày/ lần khiến cho biến động giá dầu ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của công ty.
Ngoài phân phối xăng dầu, công ty còn thực hiện dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu dầu thô mang lại khoảng 22,7% lợi nhuận hàng năm. PVOil là công ty duy nhất thực hiện hoạt động này đối với dầu thô của PVN cả trong và ngoài nước. Công ty cũng có nhiệm vụ cung cấp dầu thô nguyên liệu và tìm kiếm nguồn nhập khẩu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của công ty được xác định là 10.342 tỷ đồng. Trong đó, bán cho cổ đông chiến lược 44,72%, đấu giá công khai (IPO) 20%, bán ưu đãi cho CBCNV 0,18%, cổ phần nhà nước (Petrovietnam) 35,1%.
Với giá tham chiếu 13.400 đồng/ cổ phần, việc bán cổ phần ra công chúng có thể giúp công ty thu về gần 400 triệu USD. Đây là nguồn lực để công ty tăng trưởng số lượng cửa hàng trực thuộc lên 1.550 vào năm 2022.
Số cửa hàng tăng thêm có khoảng 850 cửa hàng được mua lại từ các doanh nghiệpthông qua mua bán sáp nhập hoặc đầu tư xây mới và 200 cửa hàng còn lại được thuê lại để kinhdoanh
Cùng với các hoạt động đầu tư kho bãi và non-oil khác, tổng đầu tư cho giai đoạn 2018 – 2022 của công ty khoảng 11.240 tỷ đồng.
Sau cổ phần hóa, công ty kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ các hoạt động ngoài xăng dầu như phát triển các dịch vụ tại trạm xăng như cửa hàng tiện lợi, dịch vụ bảo dưỡng xe, cafe. Theo phân tích của CTCK Bản Việt, mô hình này mang lại lợi nhuận không thua kém mảng kinh doanh xăng dầu, theo kinh nghiệm các nhà phân phối xăng ở Châu Á.
Ngoài ra, PVOil chưa tham gia vào lĩnh vực phân phối xăng máy bay, trong khi ngành hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ các năm gần đây. Hiện thị trường này chỉ có 2 công ty là PA của Petrolimex và Skypec của Vietnamairlines.
Nguồn tin: theleader.vn
Trả lời