Từ tháng 9-2016, cơ quan thuế đã phối hợp với Sở KH-CN cùng các ban, ngành liên quan ở địa phương thực hiện kẹp chì và dán tem niêm phong đồng hồ tổng trên các cây xăng.
Dán tem cây xăng góp phần giảm gian lận thuế
Đồng thời, ghi chỉ số đồng hồ tổng tại thời điểm niêm phong và chốt hóa đơn của đơn vị tại thời điểm niêm phong. Định kỳ vào ngày đầu và ngày cuối của tháng/quý, cơ quan thuế phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến cơ sở kinh doanh xăng dầu để ghi chỉ số trên đồng hồ tổng của từng cột bơm; xác định lượng xăng dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ. Qua đó, đối chiếu với tờ khai của người nộp thuế, đối chiếu với hóa đơn đầu vào của nhà cung cấp, nếu có chênh lệch sẽ tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo quy định.
Thực hiện từ cuối năm 2016, đến nay, việc ngành thuế dán tem cho cây xăng nhằm ngăn chặn gian lận thuế đã được thực hiện tại 46/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: “Việc triển khai giải pháp niêm phong đồng hồ tổng các cơ sở kinh doanh xăng dầu sẽ giám sát được sản lượng xăng dầu bán ra trên thị trường, để so sánh con số nhập khẩu, qua đó giám sát được tình trạng nhập lậu xăng dầu vào Việt Nam và kiểm soát được tình trạng thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước”.
Trên thực tế, mục tiêu dán tem trên đã phần nào được hiện thực hóa. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3-2017, cả nước có hơn 30.000 cây xăng tại 46/63 tỉnh, thành trên cả nước được dán tem. Số tiền thuế thu được từ bán lẻ xăng dầu đã tăng thêm bình quân 10-15% so với khi chưa thực hiện.
Tại Hà Nội, nhiều cây xăng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty xăng dầu Quân đội (Mipecorp)… cũng tiên phong trong việc thực hiện dán tem chống gian lận thuế. Theo đại diện một cửa hàng xăng dầu trên đường Giải Phóng (Hà Nội), biện pháp này không những không gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn giúp người tiêu dùng tăng niềm tin đối với cửa hàng.
Cho rằng ngành thuế dán tem cây xăng ít tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, đại diện một đại lý kinh doanh xăng dầu cho biết, thực chất, tem ngành thuế dán để nhằm chống gian lận thuế cũng tương tự như tem dán chống gian lận đo lường đối với xăng dầu. “Ngành thuế sẽ dán tem, kiểm soát lượng xăng dầu doanh nghiệp nhập vào và bán ra một cách tự động, không phải đợi doanh nghiệp báo cáo và khó kiểm soát như xưa.
Từ đó, cơ quan thuế sẽ tính số tiền thuế doanh nghiệp phải đóng. Khi đó, doanh nghiệp khó “khai man” hơn, bán 20 lít không thể khai là chỉ bán 15 lít với cách làm tự động này. Tuy nhiên, giống như đo lường, lâu nay thiết bị đong đếm xăng được kẹp chì, nhưng gian lận đo lường vẫn không ngăn chặn triệt để được, thì tương tự, doanh nghiệp vẫn có thể lách quy định của ngành thuế” – chủ đại lý nói.
Thừa nhận khó ngăn chặn gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho hay, việc hợp thức hóa hóa đơn, vận chuyển, chất lượng… xăng dầu đều khó kiểm soát doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc làm này vẫn cần mở rộng đến các cây xăng khác trên cả nước để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.
Nguồn tin: Anninhthudo
Trả lời