Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động đến việc điều chỉnh xăng dầu trong năm 2018 vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tổng thể.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, trong tháng 5, hoạt động sản xuất công nghiệp nhìn chung vẫn tiếp tục ghi nhận những chuyển biến khả quan nhờ ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng cao (tháng 5/2018 tăng 9,1%; 5 tháng tăng 11,8% so với cùng kỳ), trong khi mức độ giảm của ngành khai khoáng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (5 tháng/2018 giảm 2,2%; 5 tháng/2017 giảm 9,1% so với cùng kỳ).
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục được cải thiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2018 tăng 10,4% so với cùng kỳ và 5 tháng/2018 tăng 10,1% (loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%).
Hoạt động xuất khẩu duy trì được mức tăng khá trong khi tốc độ tăng nhập khẩu giảm mạnh là yếu tố tạo thặng dư thương mại cao nhất trong vòng 5 năm qua (3,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2018).
Đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước đang có những biểu hiện tốt khi có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu vượt khu vực FDI (5 tháng xuất khẩu tăng 17,8% so với 15%; nhập khẩu tăng 10,4% so với 6,7%).
Ảnh minh họa
Về lạm phát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho biết, CPI tháng 5 đã tăng cao đột biến 0,55% so với tháng trước (mức cao nhất trong 6 năm qua), tăng 1,61% so với đầu năm và tăng 3,86% so với cùng kỳ. Như vậy, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng 1,37% so với cùng kỳ.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, CPI tháng 5 tăng cao chủ yếu do giá thực phẩm và xăng dầu tăng mạnh.
Cụ thể: giá thịt lợn tăng cao sau 1 thời gian dài giảm khiến giá thực phẩm tăng 1,2% so với tháng trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,25 điểm %; giá xăng tăng 2 lần trong tháng khiến giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,16 điểm %.
Cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lạm phát 5 tháng đầu năm nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát. Giá thực phẩm trong năm 2018 sẽ tăng trở lại ở mức tương đương năm 2016, tác động làm CPI tổng thể tăng 0,5-0,8 điểm %, song rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17 – 20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60-62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8 % so với cùng kỳ.
Ở kịch bản khác, nếu giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ lên mức 65USD/thùng theo như dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8 – 10% so với năm trước, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4 – 4,1% so với cùng kỳ.
Thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, giá dầu thế giới đã tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong tháng 5, gây tác động nhất định đến CPI của Việt Nam. Cụ thể, giá dầu thế giới trong tháng 5 đã có thời điểm vượt ngưỡng 80 USD/thùng (17/5), song đã giảm trở lại về mức 75 USD/thùng (28/5) khi OPEC và Nga cân nhắc việc tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung và dự báo đây sẽ là yếu tố chính tác động đến giá dầu trong thời gian tới.
Trong khi đó, giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng nhẹ song chưa gây áp lực lên lạm phát CPI trong nước. So với tháng trước, giá phi năng lượng tăng 1,82%, giá kim loại tăng 2,25%, giá lương thực tăng 1,9%, giá nông sản tăng 1,43%.
Nguồn tin: vnmedia.vn
Trả lời