Gần 100% xăng dầu nhập khẩu Hàn Quốc: Nỗi lo độc quyền

Doanh nghiệp Việt nhập gần 100% lượng xăng từ Hàn Quốc sau khi thuế suất giảm còn 10%. Trong khi đó, lượng xăng nhập từ thị trường truyền thống ASEAN với thuế suất 20% lao dốc không phanh. Việc Hàn Quốc dần thành thị trường độc quyền nhập xăng của Việt Nam đang dấy lên lo ngại nguy cơ bị ép giá, người tiêu dùng bị thiệt. 

Xăng Hàn Quốc “soán ngôi”

Từ ngày 1/1/2016, thuế nhập khẩu xăng Hàn Quốc theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc còn 10%. Trong khi đó, thuế nhập xăng từ thị trường truyền thống ASEAN (Singapore, Thái Lan…) vẫn là 20%.

Xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc ngày càng tăng.

Trước khi có Hiệp định với Hàn Quốc, xăng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ thị trường ASEAN. Khi thuế nhập xăng từ Hàn Quốc còn 10%, đã có nhiều dự báo DN sẽ đua nhau nhập khẩu xăng từ Hàn thị trường này để hưởng ưu đãi.

Dự báo ấy nay đã thành sự thực. Ngay khi thuế nhập xăng từ Hàn về 10% đã có một cuộc chạy đua nhập xăng từ Hàn Quốc do có sự chênh lệch tới 10% giữa việc nhập từ ASEAN.

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu xăng của Việt Nam khoảng 1,25 tỷ USD, trong đó 75% nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Sang năm 2017, đà nhập xăng từ Hàn Quốc tiếp tục tăng chóng mặt. 9 tháng đầu năm 2017, có đến 96-97% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xăng được nhập từ thị trường này.

Như vậy hiện nay Hàn Quốc gần như là thị trường độc quyền đối với xăng nhập khẩu của Việt Nam. Con số này theo đánh giá sẽ tăng lên 100% trong thời gian tới.

Nguồn tin của PV.VietNamNet cho biết, trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan đã có đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập xăng từ ASEAN từ 20% xuống 12% nhằm đảm bảo mức chênh lệch hợp lý giữa thị trường ASEAN và Hàn Quốc, giảm thế độc quyền thị trường Hàn Quốc.

Điều này cũng nhằm tạo mặt bằng bình đẳng cạnh tranh về giá giữa các thị trường nhập khẩu, góp phần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, đảm bảo tính thực tiễn của biểu thuế 20% với xăng.

Phương án này theo Tổng cục Hải quan là sẽ góp phần tăng thu ngân sách và góp phần đưa giá bán xăng dầu được định giá phù hợp với giao dịch thực tế.

Tuy nhiên, đề xuất này của Tổng cục Hải quan lại không nhận được sự ủng hộ của chính đơn vị chức năng của Bộ Tài chính.

Theo tìm hiểu, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã phản đối giảm thuế nhập xăng từ 20% về 12% như đề xuất của Tổng cục Hải quan vì lo ngại giảm số thu. Ngoài ra, Vụ này cho rằng cần tiếp tục duy trì thuế suất 20% để khuyến khích mua xăng Dung Quất, Nghi Sơn.

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cho rằng phương án này làm tăng thu chứ không giảm thu và cũng không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Số thu từ xăng dầu giảm mạnh.

Nơi thuế 10%, nơi 20%: Lo ngân sách thiệt nặng

97% mặt hàng xăng được nhập từ Hàn Quốc đồng nghĩa với việc Việt Nam chỉ thu được 10% thuế nhập khẩu xăng dầu, còn mức thuế 20% áp dụng cho ASEAN không có ý nghĩa thực tế áp dụng. Bởi hầu như DN không còn nhập xăng từ thị trường ASEAN.

Bằng chứng là năm 2016, số thu ngân sách từ xăng dầu của Tổng cục Hải quan đã hụt tới 10.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, sự chênh lệch lớn về mức thuế nhập khẩu xăng giữa Hàn Quốc và khu vực khác có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các điều khoản và mức giá bất lợi hơn nhiều so với các đối tác nhập khẩu khác. Tại cùng 1 thời điểm và cùng 1 loại xăng, doanh nghiệp Việt Nam có thể phải mua với mức giá cao hơn so với các đối tác khác và so với mặt bằng chung của thị trường.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng lo ngại ấy là có cơ sở. Bởi vì với lợi thế mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc thấp bằng ½ so với mức thuế nhập khẩu từ khu vực khác, thì dù phải mua với giá cao, chi phí nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc vẫn rẻ hơn, DN vẫn lợi hơn.

Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế nhập khẩu xăng là 10%, DN phải xin được giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Hàn Quốc. Điều này theo lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu là “không đơn giản”.

“DN nhập khẩu nhỏ rất khó xin được C/O ấy, phải là những ông lớn. DN nhỏ muốn có được C/O 10% thì chắc chắn sẽ phải chịu giá cao”, ông Phan Thế Ruệ nhận định.

Ngoài ra, trước mức chênh lệch thuế rất lớn giữa Hàn Quốc và ASEAN kể trên, một số chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng gian lận xuất xứ (C/O) để được hưởng ưu đãi. Có nghĩa DN thực tế không nhập từ Hàn Quốc mà qua thị trường trung gian nào đó, nhưng vẫn tìm cách “chạy chọt” C/O Hàn Quốc nhằm hưởng ưu đãi thuế 10%.

“Đầu mối lớn đã quen thị trường thì có thể không chạy chọt gì vẫn được cấp C/O. Nhưng những DN nhỏ chưa quen thị trường, chưa quen khách hàng, chưa quen làm ăn với nhau thì phải chạy đủ kiểu mới được cấp C/O hưởng thuế suất 10%. Dù có như vậy thì DN vẫn lợi hơn nhập từ ASEAN với thuế 20%”, ông Phan Thế Ruệ nói.

“Họ lách như vậy thì ngân sách nhà nước thiệt, mất rất nhiều tiền”, ông Ruệ cảnh báo

Nguồn tin: Vietnamnet.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Lợi nhuận lọc dầu của châu Á thấp nhất kể từ tháng 5 do nguồn cung dồi dào

Số liệu của Thomson Reuters Eikon cho thấy lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017, do nguồn cung ngày càng tăng đã kéo giảm giá ..

Giá xăng dầu bật tăng trở lại sau 3 phiên giảm

Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trở lại vào 15h hôm nay 21-4 do áp lực tăng giá xăng dầu thế giới trong chu kỳ 10 ngày qua.
Liên bộ Công thương – Tài chính vừa phát thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu với mức tăng trở lại ở tất c..

Lo ngại mất nguồn cung, dầu tiếp tục tăng giá

Giá dầu thô ngày 10/5 tăng nhẹ do các nhà đầu tư cân nhắc nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Iran, liên quan đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. 
Giá dầu WTI tương la..

Nhập khẩu xăng dầu: Cựu Bộ trưởng cảnh báo hệ lụy “mua giá cao, hưởng thuế thấp”

Thuế nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam không cùng một mức đối với các thị trường nên nhiều doanh nghiệp (DN) chọn nhập từ những nước có mức thuế thấp nhất. Điều này dễ sinh hệ quả, DN nhập khẩu xăng dầu lã..