Một yếu tố khác gây sức ép lên giá dầu là tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Canada.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 2/7 do nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga tăng trong lúc triển vọng tăng trưởng kinh tế tại châu Á “bị mây đen che phủ” vì cuộc tranh chấp thương mại leo thang giữa các nước với Mỹ.
Giá dầu thế giới đi xuống do sản lượng của OPEC tăng. Ảnh: Reuters
Cuối phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,93 USD xuống 77,30 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,21 USD xuống 73,94 USD/thùng.
Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng của Saudi Arabia đã tăng khoảng 700.000 thùng/ngày từ tháng Năm, và tiến gần mức cao kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày hồi tháng 11/2016.
Sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng khoảng 320.000 thùng/ngày trong tháng Sáu.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga ngày 2/7 cho biết sản lượng “vàng đen” của nước này tăng lên 11,06 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu, so với mức 10,97 triệu thùng/ngày trong tháng Năm.
Một yếu tố khác gây sức ép lên giá dầu là tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Canada. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều thông báo lượng đơn xuất khẩu chậm lại trong tháng Sáu do căng thăng thương mại với Mỹ.
Mở cửa phiên sáng 3/7 tại thị trường châu Á, giá dầu tăng giữa bối cảnh Tập đoàn dầu quốc gia Libya (NOC) thông báo tình trạng bất khả kháng trong việc dỡ chuyển dầu từ các cảng Zueitina và Hariga. Tình trạng các cảng và mỏ dầu ở khu vực phía Đông đóng cửa dẫn đến sản lượng của nước này sụt giảm 850.000 thùng/ngày.
Tại châu Á, trên sàn giao dịch điện tử Singapore vào lúc 8 giờ 12 phút, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,76 USD (1%) so với cuối phiên trước lên 78,06 USD/thùng. Trong lúc giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,75 USD lên 74,69 USD/thùng.
Nguồn tin: bnews.vn
Trả lời