Tuần qua, hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ leo dốc 4%, còn hợp đồng dầu Brent tăng 1,8%. Giá dầu WTI tăng 3 tuần không ngừng nghỉ, trong khi dầu Brent ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Sau khi biến động nhẹ trong hai phiên đầu tuần, thị trường dầu thế giới đã leo dốc mạnh mẽ trong các phiên cuối tuần.
Đà phục hồi giá đạt được nhờ một những đường ống dẫn dầu lớn nhất từ Canada phải đóng cửa khiến nguồn cung dầu sang Mỹ sụt giảm.
Trong phiên đầu tuần (20/11), giá dầu đi xuống, nối dài sự suy giảm của giá năng lượng trong thời gian gần đây trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ diễn ra vào 30/11 tới.
Ngoài ra, sự tăng giá của đồng bạc xanh cũng tác động tới thị trường năng lượng. Đồng USD tăng 0,4% so với euro sau khi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức thất bại, làm gia tăng tình hình bất ổn tại Liên minh châu Âu (EU).
Sang phiên giao dịch ngày 21/11, giá dầu lấy lại đà tăng, nhờ sự yếu đi của đồng USD và hoạt động mua vào của giới đầu tư sau khi giá giảm trong phiên trước.
Các thành viên trong và ngoài OPEC, bao gồm cả Nga, sẽ nhóm họp vào ngày 30/11 để quyết định liệu có tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nữa hay không nhằm chấm dứt tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu toàn cầu.
Hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ leo dốc 4% trong tuần. Ảnh: CNBC
Giá dầu đã nhảy vọt khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô sụt 1,9 triệu thùng trong tuần trước. Mặc dù đà sụt giảm này thấp hơn dự báo, nhưng số liệu cho thấy sự tái cân bằng của thị trường dầu đang tác động đến dự trữ tại Mỹ.
Cũng góp phần vào đà tăng của giá dầu trong phiên này là do những quan ngại về nguồn cung từ tuyến đường ống dẫn dầu Keystone bị cắt giảm.
Nhà khai thác đường ống dẫn dầu Keystone, TransCanada, cho biết lượng dầu từ đường ống tới Mỹ có thể giảm 85% vào cuối tháng 11, sau khi bị rò rỉ khoảng 5,000 thùng dầu ở Nam Dakota trong tuần trước.
Đặc biệt, trong phiên 22/11, giá dầu đã chạm đỉnh trong 2 năm sau khi một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất từ Canada phải đóng cửa khiến nguồn cung dầu sang Mỹ sụt giảm.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 2%, khoảng 1,19 USD, lên 58,02 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 75 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 63,32 USD/thùng.
Sau khi thị trường nghỉ lễ Tạ ơn, giá dầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi trong phiên giao dịch cuối tuần, khi nhà đầu tư tập trung về tình trạng gián đoạn sản xuất tại trung tâm dầu thô quan trọng ở Oklahoma, đồng thời hướng sự chú ý đến cuộc họp sắp tới của OPEC.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex cộng 93 xu Mỹ, ttương đương 1,6%, lên 58.95 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy kể từ mùa hè năm 2015.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn tăng 31 xu Mỹ, khoảng 0,5%, lên 63,86 USD/thùng.
Tuần qua, hợp đồng dầu WTI leo dốc 4% còn hợp đồng dầu Brent vọt 1.8%. Hợp đồng dầu WTI đã tăng 3 tuần không ngừng nghỉ, trong khi hợp đồng dầu Brent ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Vấn đề sản lượng dầu tại Mỹ liên tục gia tăng dự kiến sẽ được tập trung thảo luận tại cuộc họp của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC vào ngày 30/11 tới.
Ngoài ra, các nhà phân tích dự báo cuộc họp này cũng sẽ thống nhất việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Các báo cáo sơ bộ cho thấy một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất không thuộc OPEC, trong đó có Nga, tỏ ra ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm đến hết năm 2018 để hạn chế nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng sự thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu thô giảm mạnh.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn
Trả lời