Phiên giao dịch 14/6 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 15/6 giờ VN), giá vàng và thép tăng mạnh, cà phê hồi phục trở lại, trong khi đó giá đường và cao su giảm, còn dầu biến động không đồng nhất.
Trên thị trường năng lượng, giá 2 loại dầu thô biến động trái chiều trong bối cảnh đồng USD nhích lên nhưng giới đầu tư tỏ ý thận trọng trước cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến diễn ra vào ngày 22-23 tới tại Vienna (Áo) để bàn về vấn đề sản lượng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 0,80 USD xuống 75,94 USD/ thùng, trong khi đó dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,25 USD lên 66,89 USD/ thùng.
Đồng USD phiên này tăng giá so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, hướng đến mức cao trong sáu tháng đã đạt được hồi cuối tháng trước, khi đồng euro giảm giá mạnh giữa bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch giữ lãi suất ở các mức thấp kỷ lục cho đến mùa Hè năm tới. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến giá hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trong đó có dầu, trở nên đắt đỏ hơn với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Vào tháng 5 vừa qua, giá dầu Brent và dầu WTI có lúc lên mức cao nhất trong vòng trong ba năm rưỡi, song kể từ đó sụt giảm vì các nhà đầu tư dự đoán nguồn cung có thể sắp tăng khi Mỹ tăng sản lượng dầu thô và OPEC cùng các đồng minh của khối này hướng tới tăng sản lượng. Năm 2017, OPEC bắt đầu cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, dầu Brent đã tăng khoảng 180% từ mức thấp nhất năm 2016, dự trữ dầu thô toàn cầu giảm, sản lượng dầu Venezuela giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt sắp xảy ra đối với Iran, nhóm có thể sớm kết thúc cắt giảm nguồn cung.
Sản lượng dầu thô từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mà Venezuela và Iran là thành viên, và Nga đã tăng 50.000 thùng/ngày trong tháng 5 lên mức 31,69 triệu thùng/ngày. Arab Saudi, Iraq và Algeria đã tăng sản lượng dầu khai thác để bù đắp sản lượng giảm mạnh từ Venezuela và Nigeria.
Trên thị trường đang xuất hiện nhiều thông tin về cung – cầu dầu, có tác động nhiều chiều tới xu hướng giá. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu mỏ của Iran, Venezuela có thể giảm 30% bởi Mỹ gia tăng lệnh trừng phạt hai quốc gia này.
Trong khi đó, việc giảm sản lượng của OPEC cùng đồng minh, như Nga, đã giúp giá dầu khôi phục nhưng lại tạo áp lực lên kinh tế các nước tiêu thụ dầu.
Hai nước tiêu thụ nhiều dầu nhất châu Á – Trung Quốc và Ấn Độ – đang cân nhắc khản năng cùng nhau chuyển sang mua dầu từ Mỹ. Hai quốc gia này đang thảo luận các biện pháp để thúc đẩy lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ vào châu Á, động thái nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào các thành viên OPEC, theo một quan chức Ấn Độ. Hai nước này muốn gây áp lực để OPEC kiểm soát giá dầu. Liên minh mua dầu Mỹ có thể bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản.
Động thái trên sẽ là một thách thức với OPEC, vốn đang phải cạnh tranh để giành thị phần ở châu Á với các nguồn cung từ vùng Vịnh Mexico và Texas.
OPEC cũng đang có rạn nứt nội bộ. Arab Saudi ủng hộ nới lỏng hạn chế nguồn cung áp dụng từ năm 2017 trong khi Iran, Iraq và Venezuela phản đối tăng sản lượng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng chạm mức cao nhất trong một tháng sau khi ECB cam kết giữ lãi suất ổn định cho đến mùa Hè 2019. Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,3% lên 1.303,70 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên 1.309,30 USD/ounce; vàng giao tháng Tám tăng 7 USD (0,5%) và đóng cửa ở mức 1.308,30 USD/ounce.
Sau khi kết thúc cuộc họp diễn ra ngày 14/6, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức thấp lịch sử ít nhất là cho tới mùa Hè năm 2019 và dự định sẽ ngừng chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 30 tỷ euro (37,2 tỷ USD)/tháng vào cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, giá vàng tăng một phần cũng bởi Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump “kích hoạt” kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc. Nhà phân tích Robin Bhar, thuộc Societe Generale, nhận định tình hình căng thẳng thương mại là yếu tố tích cực đối với giá vàng. Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý rằng thị trường vàng vẫn đối mặt với những “cơn gió ngược” tới từ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và lộ trình nâng lãi suất tại Mỹ.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,4% lên 17,24 USD/ounce sau khi chạm mốc 17,32 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Giá bạch kim tăng 0,6% lên 904,50 USD/ounce sau khi có lúc tăng lên 912,80 USD/ounce, mức cao nhất trong hai tuần.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá thép tăng phiên thứ 3 liên tiếp sau khi nước này cho biết sẽ cấm các cơ sở sản xuất mới đối với thép, than cốc và nhôm nguyên sinh tại một số khu vực trọng điểm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hợp đồng thép cây trên sàn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,9% lên 3.897 NDT (609,75 USD)/tấn. Bộ Môi trường Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành 1 đợt kiểm tra mới tại 28 thành phố phía bắc và một số khu vực bị khói bụi từ tháng 6 đến tháng 4/2019. Tính đến 8/6, dự trữ quặng sắt nhập khẩu đạt 161,03 triệu tấn, chỉ thấp hơn mức cao kỷ lục 161,98 triệu tấn trong tuần trước đó, công ty SteelHome cho biết. Giá quặng sắt giao ngay sang cảng Tần Hoàng Đảo giảm 0,3% xuống còn 67,02 USD/tấn trong ngày thứ tư (13/6), Metal Bulletin cho biết.
Đối với các kim loại cơ bản, giá hầu hết giảm sau số liệu cho thấy rằng, tăng trưởng kinh tế của nước tiêu thụ kim loại lớn nhất – Trung Quốc – chậm lại. Sản lượng công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 5 thấp hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản cung cầu vẫn đủ mạnh đối với hầu hết các kim loại công nghiệp như đồng, nhôm và nickel đạt mức cao nhất nhiều năm trong năm nay và có khả năng sẽ tăng.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,1% xuống còn 7.177 USD/tấn, từ mức cao nhất 4 năm rưỡi 7.348 USD/tấn trong tuần trước đó, do lo ngại thỏa thuận tiền lương tại mỏ khai thác đồng lớn nhất thế giới có thể làm gián đoạn nguồn cung. Nhôm giảm 0,8% xuống còn 2.256 USD/tấn, kẽm giảm 0,9% xuống còn 3.187 USD/tấn, chì giảm 1,3% xuống còn 2.453 USD/tấn và thiếc không thay đổi ở mức 20.800 USD/tấn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố danh sách thuế quan trị giá 50 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ sáu (15/6), dấy lên mối lo ngại cuộc chiến thương mại có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu và giảm nhu cầu kim loại.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 8 USD tương đương 0,5% lên 1.701 USD/tấn. Hợp đồng cà phê arabia kỳ hạn tháng 9 giảm 0,65 cent, tương đương 0,6% xuống còn 1,1795 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 1,1775 USD/lb, mức thấp nhất 1 tháng. Tại Việt Nam, giá cà phê robusta chạm mức thấp nhất 25 tháng do ảnh hưởng bởi giá cà phê toàn cầu suy giảm.
Giá đường trắng giảm do hoạt động bán ra bởi các nhà sản xuất châu Âu khi đồng euro suy yếu. Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 5,9 USD tương đương 1,7% xuống còn 347,5 USD/tấn. Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,2 cent tương đương 1,6% xuống còn 12,56 cent/lb.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago giảm 8-3/4 cent xuống còn 9,27-1/4 USD/bushel, giảm phiên thứ 8 liên tiếp trong 9 phiên. Tính chung trong 9 phiên giao dịch vừa qua, giá đậu tương giảm tổng cộng 9,3%. Giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago giảm 13 cent xuống còn 3,63 USD/bushel, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/2. Dự báo thời tiết thuận lợi ở khắp các khu vực sản xuất trọng điểm trung tây Mỹ, đẩy giá ngô và đậu tương giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng.
Giá cao su trên sàn TOCOM chạm mức thấp nhất 10 tuần sau khi giá tại Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất gần 2 năm ở phiên trước đó trong bối cảnh lo ngại dư cung. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn TOCOM kết thúc phiên giảm 1,8 JPY xuống còn 179,5 JPY (1,63 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 178,3 JPY/kg, mức thấp nhất kể từ ngày 6/4.
Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 165 NDT xuống còn 10.810 NDT (1.692 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn SICOM giảm 2,1 Uscent xuống còn 136,1 Uscent/kg.
Nguồn tin: vinanet.vn
Trả lời