Khi Venezuela siết nợ, giá dầu có thể lại tiếp tục tăng

Việc các chủ nợ nước ngoài tìm cách “siết” tài sản dầu khí của Venezuela đang đe dọa làm sụt giảm mạnh nguồn cung dầu dầu từ nước này trong bối cảnh sản lượng dầu của Venezuela đang giảm nhanh.

Logo của tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA trên một bồn chứa dầu ở nhà máy lọc dầu Isla trên đảo Curacao. Ảnh: Reuters

Nguy cơ hiện hữu từ Venezuela

Tờ Wall Street Journal ngày 13-5 cho biết, tuần trước, Iran trở thành tâm điểm của thị trường dầu sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và công bố kế hoạch tái trừng phạt nước này. Giới đầu tư lo ngại sản lượng dầu Iran sẽ giảm mạnh khi do lệnh cấm vận dầu mà Mỹ sắp tái áp đặt với Iran. Song đó là câu chuyện của tương lai vì theo kế hoạch của Mỹ, lệnh cấm vận này sẽ được thực thi trong sáu tháng tới.

Hơn nữa, chưa rõ các đồng minh châu Âu của Mỹ có theo chân Mỹ thực hiện lệnh cấm vận này hay không, vậy nên, mức độ sụt giảm sản lượng dầu của Iran vẫn chưa chắc chắn.

Câu chuyện hiện hữu, có thể nghiêm trọng hơn cả các lo ngại về nguồn cung dầu của Iran là sản lượng dầu của Venezuela, quốc gia có các trữ lượng dầu lớn của thế giới, đang giảm nhanh và có thể tiếp tục giảm vì nhiều lý do.

Rủi ro thứ nhất đối với sản lượng dầu của Venezuela là viễn cảnh Mỹ ngừng xuất khẩu các sản phẩm dầu dầu nhẹ cho Venezuela để nước này trộn chúng với dầu nặng trong nước trước khi xuất khẩu. Quy trình pha loãng là để giúp dầu nặng dễ dàng vận chuyển. Một động thái như vậy của Mỹ có thể đe dọa đến 50% công suất sản xuất dầu hiện nay của Venezuela.

Lo ngại này không phải là không có cơ sở vì hôm 7-5, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích cuộc bầu cử tổng thống Venezuela vào ngày 20-5 tới là “giả tạo”, làm dấy lên các suy đoán Mỹ sẽ tăng thêm các biện pháp trừng phạt Venezuela nhằm vào ngành dầu mỏ Iran.

Rủi ro thứ hai (đang xảy ra) là việc các chủ nợ nước ngoài tìm cách siết các tài sản dầu khí của Venezuela ở nước ngoài.

Trong thời gian vừa qua, dù sản lượng của tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) hao hụt, các nhà đầu tư vẫn tin rằng PDVSA vẫn bảo đảm duy trì nguồn cung cho thị trường dầu toàn cầu nhưng giờ đây niềm tin này đang bị lung lay sau khi một tòa án ở quốc đảo Curacao thuộc Vương quốc Hà Lan ở vùng biển Caribê tuyên án tập đoàn dầu khí ConocoPhillips (Mỹ) được phép tịch thu các tài sản dầu khí trị giá 636 triệu đô la Mỹ của PDVSA trên đảo Curacao.

Phán quyết đưa ra ngày 4-5, nhưng chỉ mới được công bố trong những ngày vừa qua. Phán quyết này nhằm thực thi một phán quyết khác của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) ở Paris, Pháp vào cuối tháng 4 khẳng định PDVSA nợ ConocoPhillips 2,04 tỉ đô la Mỹ vì ICC cho rằng vào năm 2007, chính phủ Venezuela dưới thời Tổng thống Hugo Chavez đã truất hữu trái phép các khoản đầu tư của ConocoPhillips trong các dự án liên doanh với PDVSA tại Venezuela.

Phán quyết của tòa án ở Curacao cho phép ConocoPhillips tịch thu tất cả các sản phẩm dầu mỏ được lưu trữ tại hai nhà máy lọc dầu của Venezuela trên đảo Curacao. Tòa cũng cho phép ConocoPhillips tiếp quản bất cứ lô hàng dầu nào đang trên đường vận chuyển từ Venezuela đến Curacao trong phạm vi 19 km tính từ bờ biển Curacao.

Sản lượng dầu Venezuela có thể giảm 500.000 thùng/ngày

Phán quyết trên là một đòn giáng mạnh đối với Venezuela, nước đang sử dụng các nhà máy lọc dầu ở Curacao và các nơi khác ở vùng biển Caribê để lưu trữ một lượng dầu lớn để xuất khẩu sang ba thị trường quan trọng Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Venezuela cần các nhà máy lọc dầu ở Curacao để trộn dầu thô nặng của nước này với các sản phẩm dầu thô nhẹ mua từ Nga và Mỹ trước khi xuất khẩu.

Philip Verleger, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng PK Verleger (Mỹ) ước tính sự cố trên có thể khiến sản lượng dầu xuất khẩu của Venezuela bị giảm 500.000 thùng/ngày trong tổng sản lượng xuất khẩu 1,4 triệu thùng/ngày hiện nay.

Điều đáng lo ngại hơn là với động thái siết tài sản dầu khí của Venezuela, ConocoPhillips đang châm ngòi cho cuộc chạy đua giữa các chủ nợ của Venezuala nhằm tịch thu các tài sản dầu khí của PDVSA nằm bên ngoài lãnh thổ Venezuela.

Chẳng hạn, công ty khai thác vàng Rusoro (Canada) đang đệ đơn kiện ra các tòa án ở Canada và Mỹ đòi tịch thu các tài sản ở nhà máy lọc dầu Citgo của PDVSA tại Mỹ trong nỗ lực thực thi một phán quyết vào năm 2016 của

Trung tâm quốc tế về giải quyết các tranh chấp đầu tư (ICSID) ở Washington, trong đó, yêu cầu chính phủ Venezuela phải bồi thường cho Rusoro hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ vì truất hữu trái phép các khoản đầu tư của Rusoro ở Venezuela vào năm 2011.

Các diễn biến trên đang ảnh hưởng đến các hoạt động của PDVSA. Hãng tin Reuters cho biết, sau khi tòa án ở Curacao cho phép ConocoPhillips tịch thu các tài sản dầu khí của của PDVSA trên đảo Curacao, có chín tàu chở dầu nặng của Venezuela đang trên đường đến các cơ sở lọc dầu của PDVSA ở vùng Caribê đã chuyển hướng về Venezuela hoặc Cuba để tránh bị tịch thu. 

Nguồn tin: thesaigontimes.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bộ Tài chính thay đổi thuyết trình tăng thuế môi trường xăng dầu

Bộ Tài chính lại vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường. Đây là lần thứ 2 Dự luật này được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, với nhiều ..

Thị trường dầu châu Á bỏ qua thông báo hủy hội đàm của Triều Tiên

Tình trạng dư cung vẫn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường năng lượng
Trong phiên ngày 16/5, thị trường dầu châu Á không có phản ứng gì trước thông tin Triều Tiên hủy c..

Dầu giao dịch đi ngang trong khi căng thẳng vùng Vịnh gây thiệt hại cho thị trường

 
Giá dầu đã kết thúc gần như đi ngang trong tuần trước, nhưng biên độ dao động rất rộng khi hai lực lượng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ – căng thẳng địa chính trị và tăng trưởng kinh tế toàn cầ..

Xăng dầu Hàn Quốc ồ ạt về Việt Nam: Lo thất thu thuế

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), ông Phan Thế Ruệ, để không bị thất thu ngân sách do các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc để được hưởng thuế nhập khẩu thấp, Hiệp hội đ