Một công nhân đang ở một cơ sở dầu mỏ ở mỏ dầu Al-Rawdhatain, phía bắc Kuwait. (Nguồn: AFP)
Ngày 30/6, Kuwait thông báo nước này sẽ tăng sản lượng dầu mỏ thêm 85.000 thùng/ngày.
Đây là một phần trong thỏa thuận giữa các nước thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC về tăng sản lượng dầu mỏ toàn cầu thêm 1 triệu thùng/ngày.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Al-Rai, Bộ trưởng Năng lượng Kuwait Bakhit al-Rashidi cho hay quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, theo đó nước này sẽ tăng thêm 2.785 thùng dầu nhằm đạt mục tiêu tăng 85.000 thùng mỗi ngày.
Trước đó, cùng ngày, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã đồng ý với đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tăng sản lượng dầu mỏ, thêm 2 triệu thùng mỗi ngày nhằm bù lại sản lượng thiếu hụt do tình hình tại Iran và Venezuela.
Hôm 22/6 vừa qua, OPEC cùng với Nga và một số đối tác sản xuất dầu mỏ khác đã nhất trí tăng sản lượng dầu mỏ thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng Bảy tới.
Saudi Arabia có kế hoạch đạt sản lượng tới 11 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng Bảy tới, mức cao nhất trong lịch sử, trong khi Nga cho biết có thể tăng thêm 200.000 thùng dầu/ngày.
Đề xuất tăng sản lượng dầu đã được hầu hết các quốc gia OPEC ủng hộ trừ Iran, quốc gia hiện đang đối mặt với những lệnh trừng phạt ngặt nghèo từ Mỹ trong đó có cả những biện pháp nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.
Iran phản đối mọi sự thay đổi trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ trước đó và cáo buộc Mỹ cố tình chính trị hóa OPEC.
Theo Tehran, chính các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran và Venezuela – hai quốc gia sản xuất dầu mỏ, đã đẩy giá “vàng đen” tăng.
Từ cuối năm 2016, các quốc gia thành viên OPEC cùng những nước sản xuất dầu mỏ khác không thuộc tổ chức này đã thống nhất cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng/ngày, nhưng do sản xuất cầm chừng và những yếu tố địa chính trị, những nước này họ trên thực tế đã cắt tới 2,8 triệu thùng/ngày, khiến giá dầu tăng nhanh trong thời gian qua.
Các chuyên gia dự báo tình trạng nguồn cung dầu thô từ Iran bị “chặn” liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể đẩy giá dầu lên tới mức 90 USD/thùng./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Trả lời