Chính quyền Washington vừa lên tiếng kêu gọi các nước chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Iran vào tháng 11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Mỏ dầu Azadegan thuộc tỉnh Khouzestan miền Tây Nam Iran. (Ảnh: PressTV).
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có động thái chuẩn bị áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt chống Tehran vào tháng 11/2018 và được nhìn nhận là một “cách tiếp cận cứng rắn hơn” từ chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Phát biểu trước các phóng viên, ngày 26/6, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền Washington đang tìm kiếm cách thức để cô lập các nguồn quỹ của Iran trước cáo buộc rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã theo đuổi lối hành xử không phù hợp trong khu vực. Bên cạnh đó, quan chức này cũng đề cập tới khả năng Mỹ sẽ gây sức ép lên các nước đồng minh nhằm cắt giảm sản lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran xuống còn mức 0% vào tháng 11/2018.
Quan chức trên cho biết, dự kiến, vào tuần tới, Mỹ sẽ cử một phái đoàn tới Trung Đông để kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tại vùng Vịnh Persian đáp ứng đủ nguồn cung dầu mỏ ra thị trường thế giới, sau khi sản lượng dầu thô xuất khẩu của Iran bị cắt giảm hoàn toàn vào tháng 11/2018.
Cùng ngày, hãng thông tấn NHK cũng xác nhận thông tin trên và cho biết thêm, Mỹ đang kêu gọi Nhật Bản và các nước khác gồm: Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoàn toàn các hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Iran trong vài tháng tới, với thời hạn chót là vào ngày 4/11/2018. Hiện phía Nhật Bản đang tính tới khả năng đề nghị được Mỹ áp dụng trường hợp ngoại lệ trong việc thực thi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Tuy nhiên, Tokyo cũng dự báo rằng lời đề nghị này có nhiều khả năng bị từ chối. Điều này cũng được cho là sẽ mang lại nhiều thách thức cho Tokyo trong bối cảnh Iran đang cung cấp khoảng 5% lượng dầu thô nhập khẩu đáp ứng cho các hoạt động của nền kinh tế Nhật Bản.
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran – hay còn gọi là Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran và nhóm P5 1 (gồm: Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký kết vào năm 2015. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ còn tuyên bố sẽ khôi phục hiệu lực các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực hạt nhân của Iran, đồng thời áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế ở mức cao nhất nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Theo quy định của JPCOA, Iran sẽ hạn chế chương trình phát triển hạt nhân để đổi lấy việc các nước gỡ bỏ dần lệnh trừng phạt chống Tehran. Việc Tổng thống D.Trump rút khỏi JCPOA – một thành tựu ngoại giao của chính phủ tiền nhiệm và được xem là chìa khóa tháo gỡ những tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới một hồ sơ hạt nhân gai góc ở Trung Đông đã vấp phải sự phản ứng của nhiều nước trên thế giới. Sau động thái trên của Mỹ, các nước còn lại trong JCPOA cam kết sẽ duy trì bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử và thậm chí nhiều nước châu Âu còn lên tiếng trấn an Iran sẽ bảo toàn được đầy đủ các lợi ích kinh tế nếu như tiếp tục ở lại JCPOA.
Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết, một số bên còn lại trong JCPOA gồm: Anh, Đức và Pháp cùng một số nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết sẽ triển khai một gói các biện pháp hành động vào cuối tháng 6/2018 nhằm đáp ứng những yêu cầu của Iran trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển và thanh toán cho các hoạt động giao dịch dầu mỏ của Iran./.
Nguồn tin: cpv.org.vn
Trả lời