Nhằm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir trong việc sớm chấm dứt cuộc xung đột trong nước, ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo siết chặt các giao dịch thương mại với các tập đoàn có liên quan đến khai thác dầu mỏ của nước này.
Một cơ sở khai thác dầu tại Paloch, Nam Sudan. ((Nguồn: AFP/TTXVN)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: “Mỹ sẽ yêu cầu giấy phép đối với tất cả hoạt động xuất khẩu, tái xuất khẩu hoặc chuyển giao công nghệ, trang thiết bị của nước này cho 15 tập đoàn có liên quan đến hoạt động khai thác dầu mỏ ở Nam Sudan.”
Bà Nauert nhấn mạnh rằng các thực thể này là nguồn thu tài chính quan trọng cho Chính phủ Nam Sudan, đồng thời cáo buộc nước này đã sử dụng số tiền trên để mua vũ khí và tài trợ cho các lực lượng dân quân gây mất ổn định tình hình trong nước, thay vì hỗ trợ phúc lợi và đáp ứng nhu cầu cứu trợ hiện tại của người dân. Bà Nauert cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và khu vực cùng áp đặt biện pháp này như Mỹ.
Tên của các tập đoàn này sẽ được bổ sung vào danh sách của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 22/3. Tuy nhiên, lượng dầu mỏ tại Nam Sudan lại chủ yếu do liên doanh giữa Nilepet và các công ty của Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia khai thác.
Theo một tài liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày, những thực thể bị trừng phạt bao gồm các tập đoàn nhà nước, tư nhân hoặc có liên quan đến chính phủ ở Nam Sudan “tham gia vào các hoạt động trái với lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.”
Nam Sudan, quốc gia non trẻ nhất thế giới (ra đời tháng 7/2011), đã rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng 12/2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar xảy ra, dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với ông Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar.
Xung đột và nội chiến kéo dài 4 năm qua đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Tình trạng siêu lạm phát tại quốc gia này, lên mức đỉnh điểm vào khoảng 500% vào năm 2016 và giảm xuống còn 155% vào năm 2017, đã khiến giá cả tăng vọt.
Theo Ngân hàng Thế giới, sản lượng dầu đã giảm xuống còn khoảng 120.000 thùng/ngày, từ mức đỉnh 350.000 thùng/ngày trước khi được độc lập. Tháng trước, các cơ quan Liên hợp quốc ở Nam Sudan đã cảnh báo rằng có tới 5,3 triệu người, khoảng một nửa dân số nước này, đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp.
Một thỏa thuận hòa bình được ký kết hồi tháng 8/2015 giữa các nhà lãnh đạo đối lập dưới áp lực của Liên hợp quốc, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4/2016. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7/2016./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Trả lời