Nhập khẩu xăng dầu được đẩy mạnh

Để đảm bảo nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp đầu mối đã nhập khẩu 2,7 triệu tấn xăng dầu trong quý I với trị giá tương đương 2,4 tỷ USD, tăng mạnh 26,8% về lượng và tăng tới 129% về trị giá so với cùng kỳ.

Để thay thế nguồn cung sụt giảm từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các doanh nghiệp đầu mối đã đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu trong những tháng đầu năm nay. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 3 đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng vọt 87,6% về lượng và 259,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến hết quý I, nhập khẩu xăng dầu đạt 2,7 triệu tấn, trị giá hơn 2,4 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng tới 129% về trị giá so với cùng kỳ. Đây cũng là khối lượng nhập khẩu trong quý I cao nhất 4 năm qua trong khi kim ngạch cao nhất trong 11 năm do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Trong những tháng đầu năm nay giá xăng dầu thế giới có nhiều biến động, giá đặc biệt tăng mạnh sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra.

So với quý I năm ngoái, giá nhập khẩu mặt hàng xăng đã tăng 85,8% lên mức bình quân 1.098 USD/tấn; giá dầu diesel tăng 75,1%, đạt trung bình 886 USD/tấn.

Tương tự, giá nhập khẩu nhiên liệu bay tăng 82% lên mức 943 USD/tấn; dầu mazut tăng 68% lên mức 228 USD/tấn.

Về mặt hàng nhập khẩu, dầu diesel chiếm gần 60% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong quý I với 1,6 triệu tấn, tăng 28,9%. Ngoài ra, khối lượng nhập khẩu xăng và nhiên liệu bay cũng tăng mạnh 40% và 108,6% so với cùng kỳ.

Thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam trong quý I vẫn chủ yếu là các nước trong khu vực châu Á. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với hơn 1 triệu tấn, tăng 108,6% và chiếm 40% tổng khối lượng cung cấp.

Ngoài ra, xăng dầu còn được nhập khẩu từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản.

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết sau khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất, nguồn cung trong nước thiếu hụt cục bộ, Bộ đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu để đảm bảo nguồn cung cho quý II.

Về khó khăn của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm trong mọi tình huống. Song, phía doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các cam kết.

Ở thời điểm hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa có cam kết với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo sản lượng được giao trước đó.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao cho các đơn vị thanh tra các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý những vi phạm nếu có. Đồng thời, kiểm tra làm rõ số lượng hàng hoá của liên danh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trên thực tế có đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường như cam kết hay không.

Trên cơ sở đó, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu báo cáo đề xuất phương án điều hành xăng dầu quý III và quý IV. 

  Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Công Thương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thời gian qua do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu nên các doanh nghiệp đầu mối buộc phải tăng cường nhập khẩu. Điều này dẫn đến kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại trong quý I tăng tới 129% so với cùng kỳ năm ngoái.  

“Tuy nhiên việc nhập khẩu không phải ngày 1 ngày 2. Hai năm qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 các thương nhân cơ bản lấy dầu từ Nghi Sơn và Bình Sơn để tiêu thụ và chỉ nhập khẩu các sản phẩm mà 2 nhà máy chưa đáp ứng được.

Do đó, việc kết nối lại mua lại dầu trở nên khó khăn, đặc biệt do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Việc tìm nguồn cung tốn chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt là chi phí vận chuyển”.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc nhập xăng dầu trong thời gian qua rất khó khăn vì tình hình căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine leo thang. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nguồn nhập khẩu cũng phải cân nhắc kỹ càng. 

“Muốn nhập khẩu xăng dầu không phải dễ nhất là khi căng thẳng nga – Ukraine leo thang. Ngoài ra phải tính đến phương án mua ở đâu cho giá rẻ nhất vì còn liên quan thuế. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu mua xăng dầu từ Hàn Quốc, các nước ASEAN vì thuế thấp. Nếu mua thị trường khác thuế cao, về Việt Nam thì giá cao lại không hiệu quả. Ngay cả khi nhập được rồi cũng chưa biết chắc bao giờ hàng về”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.  

Nguồn tin: Vietnambiz

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Xăng RON 95 tăng giá mạnh: Bộ Công Thương chỉ rõ nguyên nhân

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá về việc giá xăng RON 95, tăng và việc công bố giá cơ s..

Oettinger và Barkindo nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ liên tục đối với Đối thoại năng lượng EU-OPEC

Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Nguồn nhân lực Günther Oettinger và Tổng thư ký OPEC Mohammad Sanusi Barkindo đã gặp nhau tại Vienna, nơi họ đã thảo luận các vấn đề v..

Những ẩn số chưa rõ đe doạ đến đá phiến Mỹ

Ba năm sau khi giá dầu lao dốc, đá phiến Mỹ đang ở giai đoạn tăng trưởng thứ hai và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng sản lượng, ít nhất là trong 5 năm tới.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu ngày càng phụ th..

Giảm thuế để ‘hạ nhiệt’ xăng dầu: Cần làm ngay

Về việc giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao những ngày gần đây, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện các doanh nghiệp (DN) đầu mối và chuyên gia cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đồng thời tạo cơ chế cho DN vay vốn sẽ giúp nguồn ..