OPEC và các quốc gia dầu mỏ khác cần phải “xem lại” các kế hoạch sản xuất của họ do một làn sóng dầu đá phiến mới của Mỹ, giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết.
Cảnh báo đưa ra theo sau một dự báo mới có thể gây khó chịu cho nhóm. IEA cho biết cắt giảm sản lượng đã giúp nâng giá dầu lên trên 60 USD/thùng cũng như góp phần làm tăng nguồn cung từ các đối thủ không thuộc OPEC như Brazil và Canada, sẽ có thể đáp ứng được sự tăng trưởng nhu cầu toàn cầu cho đến năm 2020.
“Nhóm các nhà sản xuất cần phải xem xét lại kế hoạch sản xuất của mình một cách nhanh chóng và đáng kể trong bối cảnh sự gia tăng sản lượng lớn từ đá phiến của Mỹ,” giám đốc Fatih Birol cho biết hôm thứ Hai bên lề hội nghị CERAWeek được tổ chức bởi IHS Markit ở Houston.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các nước đồng minh bao gồm Nga, Mexico và Kazakhstan đã đồng ý cắt giảm sản xuất vào cuối năm 2016 nhằm nỗ lực giải quyết sự thừa cung dồi dào trong các kho dự trữ dầu thô. Họ đã thách thức những người hoài nghi bằng cách cắt giảm sâu hơn cam kết và duy trì đủ lâu để rút cạn các kho dự trữ dồi dào.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng mang lại tác động ngược bằng cách “mở ra một làn sóng tăng trưởng mới từ Mỹ,” khiến cho OPEC hầu như không còn không gian trống để tăng sản lượng một khi cắt giảm hết hiệu ực vào cuối năm nay, theo báo cáo của cơ quan này.
Mỹ sẽ chiếm lĩnh thị trường dầu mỏ toàn cầu trong nhiều năm tới, đáp ứng 80% tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đến năm 2020, IEA cho biết. Nguồn cung từ các quốc gia không phải là OPEC sẽ chiếm phần còn lại.
Đến năm 2023, tổng sản lượng hydrocarbon của Mỹ sẽ tăng lên 17 triệu thùng/ngày so với mức 13,2 triệu/thùng của năm ngoái. Dự báo đó dựa trên giá dầu Brent là 58 đô la, do đó có thể được điều chỉnh thậm chí cao hơn nếu giá kỳ hạn vẫn ở mức 65 đô la một thùng, theo ông Birol.
“Tôi có thể cho bạn biết dự báo của chúng tôi có thể cần phải được sửa đổi tăng nếu giá cao hơn mức chúng tôi giả định,” Birol nói.
Trong một tín hiệu xấu khác cho OPEC, báo cáo của IEA cho biết, sản lượng từ các mỏ dầu già trên toàn thế giới không giảm nhanh như trước đây, vì chi phí thấp hơn giúp các nhà sản xuất vận hành hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, người đứng đầu IEA này, cơ quan tư vấn cho các nước công nghiệp hoá về chính sách năng lượng, đã đi theo một đường lối cân bằng giữa việc mức tăng lớn trong nguồn cung ngắn hạn và nguy cơ thiếu hụt trong dài hạn. Birol cho biết các công ty dầu mỏ “hoàn toàn không” đầu tư đủ cho sản xuất trong tương lai, với viễn cảnh nhu cầu sẽ vượt qua nguồn cung vào cuối thập niên 2020.
Nguồn: xangdau.net/Bloomberg
Trả lời