Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết các nhà sản xuất dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục hợp tác với nhau sau khi gia hạn cắt giảm nguồn cung vào cuối năm ngoái.
Ông Khalid al-Falih cũng thừa nhận rằng, việc giúp thị trường dầu mỏ cân bằng trở lại không phải đơn giản.
Đây là lần đầu tiên Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã công khai tiết lộ các quốc gia thành viên OPEC và các quốc gia không phải là thành viên OPEC sẽ tiếp tục duy trì hợp tác trong thỏa thuận sản xuất dầu mỏ sau năm 2018.
Theo ông Khalid al-Falih, cơ chế hợp tác trong năm tới vẫn chưa được quyết định, nhưng nếu lượng dự trữ dầu mỏ tiếp tục tăng trong năm 2018 như dự báo của các chuyên gia, thì các quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ tiếp tục xem xét gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu mỏ trong năm 2019.
“Chúng tôi sẽ sẵn sàng hợp tác với nhau trong sản xuất dầu mỏ trong những năm tới để đảm bảo lợi ích của các quốc gia sản xuất dầu mỏ”, ông Khalid al-Falih cho biết sau một cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Dầu mỏ về việc thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ.
Hội đồng Bộ trưởng Dầu mỏ bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, Venezuela, Algeria và các quốc gia không phải là thành viên OPEC như Nga, Oman. Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất cũng có mặt trong cuộc họp nói trên vì quốc gia này đang giữ chức Chủ tịch của OPEC.
Trước khi diễn ra cuộc họp nói trên, ông Khalid al-Falih cho biết việc kéo dài thỏa thuận hợp tác dầu mỏ trong những năm tới có thể sẽ không nhất thiết phải gắn với mục tiêu sản xuất dầu mỏ hiện tại của các quốc gia có liên quan.
“Thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu mỏ năm 2018 đã và đang đảm bảo lợi ích của các quốc gia sản xuất dầu mỏ, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng thế giới”, ông Khalid al-Falih nhấn mạnh.
Theo ông Khalid al-Falih, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay, trong khi cắt giảm nguồn cung dầu sẽ làm giảm dự trữ dầu mỏ thế giới. Điều này sẽ giúp thị trường dầu mỏ cân bằng trở lại vào cuối năm 2018 hoặc trong năm 2019.
Mặc dù vậy, ông Khalid al-Falih cũng thừa nhận rằng, việc giúp thị trường dầu mỏ cân bằng trở lại không phải đơn giản. “Tôi cũng không dám chắc việc giảm lượng dầu dữ trữ có được duy trì trong dài hạn hay không”, ông Khalid al-Falih chia sẻ.
Ông Khalid al-Falih và các Bộ trưởng dầu mỏ Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Oman đều tỏ ra lo ngại, việc giá dầu thô Brent tăng lên mức 70USD/thùng, mức cao trong 3 năm qua, có thể sẽ làm tăng nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Khalid al-Falih cho rằng, giá dầu tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
OPEC đã đặt ra mục tiêu đưa lượng dự trữ dầu mỏ của các quốc gia công nghiệp phát triển xuống mức trung bình trong 5 năm. Tuy nhiên, ông Khalid al-Falih cho biết, các quốc gia sản xuất dầu mỏ khó đạt được mục tiêu này cho đến tháng 6 năm nay.
Theo dự kiến, cuộc họp kế tiếp của Hội đồng Bộ trưởng Dầu mỏ sẽ được tổ chức vào tháng 4 sắp tới tại Saudi Arabia.
Nguồn tin: Enternews
Trả lời