Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thực tế chỉ là một trong những điều kiện cần để có thể làm giảm nguồn cung ra thị trường, nhằm hỗ trợ giá dầu. Bản thân OPEC cũng nhìn ra được vấn đề là nỗ lực của họ sẽ như “muối bỏ bể” nếu không nhận được sự ủng hộ bằng hành động nào từ phía các nước xuất khẩu dầu mỏ khác ngoài OPEC như Nga, Ai Cập… Vậy quan điểm của các “ông lớn” này về vấn đề trên ra sao? Ai trong số họ có thể cắt giảm sản lượng khai thác của mình để chung tay cùng OPEC cứu giá dầu, bình ổn thị trường?
Cuối tuần vừa qua, một số nước không thuộc OPEC, trong đó có Nga, Ai Cập, Azerbaijan, Brazil, Kazakhstan, Mexico và Oman đã được mời cử đại diện đến Vienna (Áo) để tham vấn về các điều khoản của thỏa thuận “đóng băng”, hoặc cắt giảm sản lượng khai thác dầu mà OPEC đã đạt được chủ trương vào tháng 9-2016. Không có một cam kết nào được đưa ra, nhưng những người tham gia đã đồng ý gặp lại nhau một lần nữa trước khi hội nghị thượng đỉnh của OPEC diễn ra tại Vienna vào ngày 30-11 tới.
Giới quan sát cho rằng, trong số các nước được OPEC mời dự họp, cũng có những nước không thiết tha gì với kế hoạch cắt giảm sản lượng, nhưng nhìn chung lập trường của các nước này cho thấy họ muốn OPEC giải quyết những khác biệt của mình trước tiên. Bởi, một ngày trước đó, bản thân các thành viên OPEC còn không thể thống nhất thực hiện hạn chế sản lượng toàn cầu là bao nhiêu, sau nhiều giờ bàn bạc trong sự phản đối của Iran, nước đã miễn cưỡng “đóng băng” mức sản lượng của họ.
Nga
Về phía Nga, nước đang dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác dầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak gần đây đã đồng ý phối hợp với OPEC “đóng băng”, hay giữ nguyên sản lượng khai thác, nếu các thành viên của OPEC đồng ý hạn chế sản lượng của mình. Theo Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo, nhóm này đang đi đúng hướng để đạt được một thỏa thuận vào cuối tháng 11. Ông Barkindo cũng cho biết, Nga đã đồng ý tham gia cuộc họp chính thức của OPEC trong tháng này.
Kazakhstan
Kazakhstan hiện tỏ ra rất mong ngóng thỏa thuận “đóng băng” sản lượng sẽ giúp nước này phục hồi kinh tế với tốc độ phát triển 6-7%/năm như lúc giá dầu còn hơn 100USD/thùng. Nhưng việc họ kỳ vọng vào việc OPEC sẽ cắt giảm sản lượng không có nghĩa là họ sẽ cam kết làm điều tương tự như OPEC.
Chính Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Kanat Bozumbayev hôm 1-11 đã khẳng định, nước này sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Bởi vì, theo ông Bozumbayev, mức khai thác của họ vẫn còn nhỏ so với các nước khác cùng ngồi trên bàn đàm phán, chẳng hạn như Nga, Arập Xêút, Brazil, Iran và Mexico.
Năm nay, Kazakhstan không hy vọng nền kinh tế của họ sẽ tăng trưởng quá 0,1%. Trong khi các dự báo 2017 của Ngân hàng Thế giới thì dự đoán gia tăng GDP của nước này còn dưới 1%. Kazakhstan – một trong những nước khai thác dầu lớn trong Liên Xô (cũ) gần đây đã mở cửa khai thác trở lại mỏ Kashagan, lại phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ tới hơn 60% nguồn thu chính phủ và 1/4 GDP.
Một quan chức Kazakhstan tham dự cuộc họp tại Vienna khi được hỏi về những gì ông hy vọng cuộc họp hôm 29-10 sẽ đạt được, đã nói: “Chúng tôi chỉ hy vọng giá dầu sẽ tăng lên”. Hy vọng này cũng được nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ khác chia sẻ, nhưng sự hy vọng này cũng là một dấu hiệu cho thấy bản thân họ đang bế tắc trước bài toán giảm quy mô sản xuất nhưng lại phải tạo được doanh thu nhiều nhất.
Azerbaijan
Azerbaijan – một “ông lớn” khác ngoài OPEC, từng khai thác hơn nửa lượng dầu của thế giới cách đây một thế kỷ, có quan điểm tích cực hơn về chuyện cắt giảm. Từ giữa tháng 10, Baku đã tuyên bố ủng hộ các nước trong và ngoài OPEC cắt giảm. Khả năng Azerbaijan cắt giảm sản lượng, theo ClipperData, cũng thuận lợi hơn các nước khác, bởi vì sản lượng khai thác dầu tháng 9 của nước này đã thấp hơn 10% so với tháng 8.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan Natig Aliyev cũng đã tiết lộ: “Venezuela và Azerbaijan đã đồng ý một số biện pháp sẽ được thực hiện để bình ổn thị trường. Chúng tôi đã đồng ý rằng, giá dầu có thể sẽ vào khoảng 60 USD/thùng”. Những lời của ông Aliyev tuy chỉ xoay quanh chuyện giá dầu và không đề cập đến chuyện sẵn sàng chia sẻ gánh nặng cắt giảm sản xuất, nhưng dù sao cũng nó cũng góp phần nhỏ làm dịu đi những lo ngại rằng, thỏa thuận cắt giảm chỉ là một mục tiêu mong manh.
Oman
Từ trước cuộc họp bất thường của OPEC tại Algeria vào tháng 9 vừa qua, Oman đã nói họ không tin vào khả năng của khối trong việc giải quyết khủng hoảng giá do tiền sử “nói mà không làm được” của OPEC trong năm qua.
Tuy nhiên, các báo cáo gần đây về Oman lại cho thấy quốc gia vùng Vịnh này đã chính thức ủng hộ “đóng băng” và cắt giảm sản lượng tổng thể, với kỳ vọng: “Các biện pháp tương tự sẽ được các nước khác thực hiện”. Vẫn chưa rõ là Iraq – quốc gia đi ra từ đổ nát chiến tranh đang bất chấp giới hạn sản xuất, hay Iran – đất nước đang cố gắng lấy lại thị phần sau khi được dỡ bỏ trừng phạt, có được tính là một trong những “nước khác” mà Oman kỳ vọng sẽ cắt giảm sản lượng hay không.
Ai Cập
Là nước nhập khẩu ròng dầu, Ai Cập không có sức mạnh thị trường, hay vốn chính trị để gây ảnh hưởng đến động lực “đóng băng” sản lượng theo cách này hay cách khác. Tranh cãi gần đây giữa quốc gia Bắc Phi này và Arập Xêút – nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC, khiến mọi lô hàng xăng dầu bị đình chỉ, cũng sẽ hạn chế lợi ích nổi bật của Ai Cập trong các quyết định của OPEC.
Nguồn tin từ Quốc hội Ai Cập nói Bộ Năng lượng nước này sẽ được yêu cầu xem xét lại thỏa thuận mua các sản phẩm dầu mỏ từ Công ty Saudi Aramco của Arập Xêút trong vài tuần tới. Động thái này chắc chắn sẽ làm phức tạp hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia.
Canada
Theo số liệu chính phủ từ các nước mua và bán, 99% xuất khẩu dầu của Canada đi thẳng tới Mỹ. Cả hai quốc gia Bắc Mỹ này đều không phải là thành viên của OPEC và họ có những thỏa thuận riêng với nhau về cung cấp năng lượng. Mặc dù Canada cũng được mời tham dự các cuộc đàm phán về “đóng băng” sản lượng, nhưng Ottawa chẳng có động cơ kinh tế hay chính trị nào để giảm sản lượng cả.
Một số nước khác
Brazil được chọn là “quan sát viên” của cuộc họp hôm 29-10. Nhưng trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang chuẩn bị tăng tốc độ sản xuất trong vài năm tới, việc thuyết phục họ cắt giảm sản lượng gần như là không tưởng.
Trong khi đó, Mexico từ hồi mùa hè đã xây dựng kịch bản kinh tế đối phó với giá dầu thấp cho năm tài chính tiếp theo, nên họ dường như cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều trong chuyện OPEC hay nước nào có đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ quy mô nhỏ khác như Bolivia hay Trinidad và
Tobago thì đã cắt giảm sản lượng trong cả 2 năm qua, nhưng việc này cũng chẳng có tác động gì mấy đến thị trường.
Nauy – một trong những nước khai thác dầu lớn ngoài OPEC, với sản lượng trung bình 1,6 triệu thùng/ngày và đang có xu hướng tiếp tục tăng sản lượng trong 2 năm qua (cụ thể là 2,1% trong năm 2014 và 3,08% trong năm 2015) đã từ chối lời mời dự họp của OPEC.
Nguồn tin: petrotimes.vn
Trả lời