Số liệu sản lượng dầu thô của Venezuela trong tháng 12-2017 được chính Caracas cung cấp, là khác xa, nếu không muốn nói là hoàn toàn trái ngược với những gì mà Bộ trưởng Dầu mỏ kiêm Chủ tịch Công ty Dầu mỏ Nhà nước Venezuela (PDVSA) Manuel Quevedo nói.
Còn nhớ, chưa đầy 1 tuần trước, trên sóng truyền hình Venezuela, ông Quevedo đã dõng dạc tuyên bố sản lượng khai thác dầu của nước này hiện tại đã tăng và đạt gần 1,9 triệu thùng/ngày. Ông cũng ngụ ý rằng, số liệu về sản lượng dầu thô của Venezuela trong tháng 12-2017 được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố vào ngày 18-1 sẽ cao hơn tháng trước đó (sản lượng dầu thô của Venezuela trong tháng 11-2017 là 1,834 triệu thùng/ngày).
Một giàn khoan đổ nát trên hồ Maracaibo, tây bắc Venezuela
Tuy nhiên, các số liệu mà Caracas chính thức đưa ra hôm 18-1 cho thấy, sản lượng dầu thô của Venezuela trong tháng 12-2017 đã giảm 216.000 thùng xuống còn 1,621 triệu thùng/ngày, giảm 11% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng 15 liên tiếp, sản lượng dầu của Venezuela bị giảm. Tính chung cả năm 2017, quốc gia Nam Mỹ đã khai thác trung bình khoảng 2,072 triệu thùng/ngày, giảm gần 300.000 thùng/ngày so với năm 2016. Đó là mức giảm lớn nhất trong số các thành viên của OPEC – những người đã cam kết hạn chế sản lượng kể từ năm 2017 đến năm 2018. Nhưng nếu như Arập Xêút, Nga và các nước khác cắt giảm sản lượng là tự nguyện, để làm giảm tồn kho dầu toàn cầu, thắt chặt thị trường và nhằm đẩy giá dầu cao hơn, thì sự sụt giảm của Venezuela là nằm ngoài mong muốn của Caracas.
Evanán Romero – cựu Giám đốc PDVSA cho biết: “Ở Venezuela, không có chiến tranh, cũng không có đình công, chỉ là ngành công nghiệp dầu mỏ đang tự tan rã”.
Các nhà quan sát ngành công nghiệp dầu khí tính toán rằng, trong cả năm 2017, sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm 29% – mức sụt giảm lớn nhất trong lịch sử gần đây của quốc gia Nam Mỹ này. Theo dữ liệu của OPEC, mức sụt giảm nói trên còn lớn hơn 6% so với mức sụt giảm mà Iraq đã trải qua sau cuộc chiến tranh năm 2003, hay mức sụt giảm sản lượng của Nga trong thời kỳ Liên bang Xô-viết (cũ) sụp đổ.
Nguyên nhân khiến ngành Dầu khí Venezuela lâm vào tình trạng bi đát này được xác định chủ yếu do quản lý yếu kém, không có tiền để đầu tư hoặc thậm chí để duy trì sản xuất. Lệnh trừng phạt của Mỹ và khủng hoảng chính trị, xã hội trầm trọng ở Venezuela càng khiến các nhà đầu tư không muốn tiếp tục đầu tư vào nước này.
Các công ty đa quốc gia hợp tác với PDVSA ở vành đai dầu mỏ Orinoco đã giảm chi tiêu xuống mức tối thiểu do các khoản nợ quá hạn, tệ quan liêu và thuế cao. Pavel Molchanov – nhà phân tích dầu mỏ của công ty môi giới Raymond James cho biết: “Các công ty quốc tế về cơ bản không muốn bỏ thêm bất kỳ đồng đôla nào vào Venezuela trong điều kiện hiện tại”.
Giá trị giỏ dầu xuất khẩu của Venezuela đã tăng 25% vào năm ngoái do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh và tồn kho dầu ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) giảm mạnh. Nhưng lợi nhuận này đã bị xóa sổ bởi sản lượng thấp hơn và chi phí các sản phẩm dầu mỏ do PDVSA nhập khẩu để hỗ trợ hoạt động của mình tăng.
Nhà môi giới Torino Capital dự báo rằng, giá trị xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela sẽ giảm khoảng 3 tỉ USD trong năm nay xuống còn 26,5 tỉ USD. Để so sánh, năm 2012, Venezuela đã kiếm được 93 tỉ USD từ xuất khẩu dầu.
Sản lượng sụt giảm khiến Venezuela trở thành nước xuất khẩu dầu lớn duy nhất không được hưởng lợi từ giá dầu tăng. Đã vậy, phần lớn dầu thô mà Venezuela khai thác được lại không phải để bán. Theo ông Francisco Monaldi, một chuyên gia về năng lượng Venezuela tại Đại học Rice, gần 1,3 triệu thùng dầu/ngày dầu thô của Venezuela là để phục vụ thị trường nội địa hoặc để trả nợ theo thỏa thuận của nước này với các đồng minh như Nga, Trung Quốc và Cuba. Như vậy, Venezuela chỉ còn một lượng nhỏ dầu để bán ở thị trường mở. Nhưng theo BMI Research, xuất khẩu dầu thô của Venezuela sang Mỹ – thị trường lớn nhất của dầu thô Venezuela, đã giảm 20% trong năm 2017 xuống 593.000 thùng/ngày.
Hiện tại, tương lai u ám, chứa đựng nhiều rủi ro. PDVSA và chính quyền trung ương đang bị vỡ nợ hơn 700 triệu USD tiền thanh toán trái phiếu. PDVSA đã không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán lãi nào trong 1 tháng qua. Điều này làm gia tăng lo ngại rằng, các chủ nợ có thể giữ các lô hàng dầu của nước này như một khoản bồi thường. Đây là thực tế, bởi theo nhiều nguồn ngoại giao, tuần trước, một chiếc tàu chở dầu thô Venezuela đã bị giữ tại Curacao, theo yêu cầu của một nhóm chủ nợ của Venezuela. Được biết, Venezuela đã nợ họ 30 triệu USD và chưa trả.
“Nếu các chuyến hàng dầu của Venezuela trở thành mục tiêu bắt nợ, đó là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với ngành dầu khí của quốc gia này” – Artyom Tchen, chuyên gia phân tích dầu tại Oslo (Na Uy) nhận định.
Nguồn tin: petrotimes.vn
Trả lời