Một mỏ dầu có trữ lượng hơn 1 tỷ tấn được phát hiện ở Tân Cương trong khi Trung Quốc đang nỗ lực biến đây thành một California thứ hai.
Theo hãng tin Tân hoa xã, một mỏ dầu mới trữ lượng hơn một tỷ tấn đã được tìm thấy trong thung lũng Dzungar gần hồ Mahu thuộc Khu tự trị Tân Cương.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã chính thức định vị được mỏ dầu này sau hơn 10 năm thăm dò địa chất ở khu vực này.
Trung Quốc đào được mỏ dầu mới ở Tân Cương.
Các quan chức thuộc công ty đối tác của Tập đoàn này là Petro China cho hay, ước tính mỏ dầu mới có trữ lượng vào khoảng 1,24 tỷ tấn trong đó, khoảng 520 triệu tấn đã được xác nhận.
Theo các nhà địa chất của PetroChina, có thể còn nhiều mỏ dầu khác có trữ lượng gần 1 tỷ tấn sẽ được phát hiện trong thời gian tới vì điều kiện tự nhiên của Khu tự trị Tân Cương cho phép hình thành những mỏ dầu như vậy.
Theo Reuters, các công ty dầu mỏ Trung Quốc như PetroChina và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm thăm dò các nguồn năng lượng mới bởi sản lượng trong nước từ các giếng dầu đang giảm sút.
Các quan chức PetroChina cho biết công ty đã tăng công suất sản xuất tại mỏ Tân Cương của mình lên 1,38 triệu tấn trong năm nay hoặc khoảng 27.000 thùng mỗi ngày.
Mỏ dầu lớn nhất của Trung Quốc là mỏ Đại Khánh với 5,7 tỷ tấn dầu thô và hơn 1.000 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.
Trung Quốc có trữ lượng dầu thô lớn thứ 13 trên thế giới với trữ lượng dầu thô được chứng minh lên đến 25.620 triệu thùng dầu.
Bắc Kinh hiện cũng là nơi dự trữ nhiên liệu khẩn cấp lớn thứ hai trên thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đang tận dụng giá dầu thấp để bổ sung vào các kho dự trữ của mình.
Nói riêng về khu tự trị Tân Cương, việc phát hiện ra mỏ dầu lớn là một tin vui khi nơi đây đang đón chờ rất nhiều dự án để phát triển. Đặc biệt là dự án đổi dòng nước bằng cách đào đường hầm dài 1.000 km vận chuyển nước từ Tây Tạng tới Tân Cương.
Cao nguyên Tây Tạng khiến nguồn hơi nước gây mưa từ Ấn Độ Dương không thể di chuyển đến Tân Cương. Cùng với đó, việc bị kẹt giữa sa mạc Gobi ở phía Bắc và sa mạc Taklimakan ở phía Nam khiến 90% diện tích của Tân Cương là vùng đất khô hạn không thể sinh sống.
Tuy nhiên, sa mạc Taklimakan nằm ngay dưới chân cao nguyên Tây Tạng, nơi được coi là tháp nước của châu Á. Vùng cao nguyên này giải phóng một lượng nước lên tới hơn 400 tỷ tấn mỗi năm.
Tình trạng thiếu nước ở Tân Cương hiện nay được xem là rất giống với ở bang California của Mỹ hồi đầu thế kỷ 20. Dự án Central Valley Project ra đời vào năm 1933 đã dẫn nước từ phía Bắc của California tới thung lũng San Joaquin, biến nơi này thành vùng sản xuất nông nghiệp năng suất nhất thế giới.
Trung Quốc muốn biến Tân Cương thành California bằng dự án đường hầm chuyển nước.
“Với nguồn nước mới từ Tây Tạng, Tân Cương sẽ phát triển bùng nổ như California”, một vị kỹ sư của dự án phát biểu.
Giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc có thể sẽ quyết tâm làm tới cùng dự án này nếu nó phục vụ cho các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Trong đó, dự án chuyển nước ảnh hưởng đến lượng nước ở sông Brahmaputra, gây hạn hán bất thường ở lưu vực sông này là Ấn Độ.
Dự án này nếu được xúc tiến có thể sẽ khiến quan hệ Trung – Ấn thêm căng thẳng.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Trả lời