Saudi Arabia và Nga đang cân nhắc tăng sản lượng dầu để bù đắp cho nguy cơ thiếu hụt nguồn cung từ Iran cũng như sản lượng dầu đang sụt giảm nhanh ở Venezuela. Lý do sâu xa hơn khiến hai nước này đảo ngược lập trường hạn chế nguồn cung là vì họ lo ngại Mỹ có thể thúc đẩy một dự luật cho phép Mỹ kiện các nhóm hợp tác về dầu mỏ, chẳng hạn như OPEC hay liên minh giữa OPEC và Nga về hành vi thao túng nguồn cung, vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ.
Dự luật NOPEC, mối đe dọa đối với OPEC
Theo trang tin Seeking Alpha, người tiêu dùng Mỹ đang sốc vì giá xăng tăng cao trong mùa hè này. Từ năm ngoái đến nay, giá bán xăng trung bình tại Mỹ đã tăng hơn 0,5 đô la Mỹ cho mỗi gallon (3,8 lít) do giá dầu thô tăng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt nhiều nơi trên toàn cầu và các tác động của thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Tuy nhiên, hôm 25-5, bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia và Nga bật đèn xanh cho khả năng tăng sản lượng một triệu thùng/ngày, đồng nghĩa với việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sẽ được điều chỉnh từ mức 1,8 triệu thùng/ngày hiện nay, xuống còn 800.000 thùng/ngày.
Tổng thống Donald Trump viết dòng tweet chỉ trích OPEC đẩy giá dầu lên mức cao giả tạo hôm 20-4. Ảnh: CNBC
Hai nước này cho biết họ lo ngại nguồn cung thiếu hụt sẽ gây khó khăn cho các nước tiêu thụ dầu, song có một lý do khác, sâu xa hơn, là họ lo ngại Quốc hội Mỹ sẽ thúc đẩy một dự luật cho phép các cơ quan chính phủ Mỹ và các bên tư nhân kiện các tổ chức hợp tác dầu mỏ như OPEC và các công ty dầu khí quốc gia của các thành viên OPEC về những vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ bằng cách kiểm soát nguồn cung để tác động giá dầu.
Dự luật này, có tên gọi NOPEC, được giới thiệu cách đây một thập kỷ, nhưng vẫn chưa thể thông qua vì các tổng thống tiền nhiệm đe dọa sẽ phủ quyết nó. Tuy nhiên, giờ đây dự luật này đang được các nghị sĩ đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ ủng hộ và có khả năng được Tổng thống Donald Trump sẽ ký thông qua nếu nó nếu vượt qua các vòng bỏ phiếu tại lưỡng viện Mỹ.
Hôm 18-5, Tiểu ban Luật Chống độc quyền, thương mại và cải cách pháp chế của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã tổ chức cuộc điều trần về NOPEC.
Tại cuộc điều trần, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Bob Goodlatte nói rằng, mục đích của luật chống độc quyền là bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi đe dọa cạnh tranh và thao túng giá của các tổ chức lớn trong bất kỳ ngành công nghiệp nào nhưng việc OPEC không bị quy trách nhiệm về hành vi thao túng thị trường dầu là một điều sỉ nhục đối với luật chống độc quyền Mỹ, đe dọa nền kinh tế Mỹ và có nguy cơ gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ. Goodlatte cho rằng, dự luật NOPEC sẽ giúp giải quyết các vấn đề trên và mong muốn thúc đẩy dự luật này.
Saudi Arabia lo lắng trước phản ứng của Tổng thống Mỹ
Hôm 26-5, hãng tin Bloomberg dẫn lời Bob McNally, người sáng lập công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy ở Washington, nhận định Saudi Arabia đang chịu sức ép của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đẩy giá dầu lên cao giả tạo.
“Dường như OPEC lặp lại việc làm trước đây. Sản lượng dầu đang mức kỷ lục ở khắp mọi nơi, bao gồm cả những tàu chở dầu đầy ắp trên biển. Giá dầu đang rất cao một cách giả tạo. Điều này không tốt và sẽ không được chấp nhận”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 20-4.
Ông Bob McNally bình luận rằng, dòng tweet đó đã tác động đến Saudi Arabia. Thông điệp được đưa ra là rất rõ ràng đối với Saudi Arabia. Khi Trump viết dòng tweet trên, các quan chức OPEC đang họp tại một khách sạn ở TP. Jeddah (Saudi Arabia) và họ ngay lập tức hiểu rằng Tổng thống Donald Trump muốn gây sức ép với OPEC.
Trò chuyện với báo chí hôm 25-5, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, OPEC đang họp ở Jeddah thì đọc được dòng tweet đó. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid Al-Falih hối thúc tôi rằng có lẽ chúng tôi cần có phản hồi với Mỹ rằng, các thành viên của OPEC, luôn tự hào là những người bạn của Mỹ”.
Không chỉ Mỹ và nhiều nước tiêu thụ dầu khác bao gồm Ấn Độ đang gây sức ép buộc Saudi Arabia phải tăng sản lượng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết ông đã gọi điện Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid Al-Falih để bày tỏ lo ngại về việc giá dầu ngày càng tăng cao, song sức ép của Mỹ có trọng lượng hơn nhiều.
Các quan chức ngoại giao và dầu mỏ của OPEC đang lo ngại Mỹ sẽ khôi phục dự luật NOPEC. Ông Bob McNally cho rằng dù dự luật này bị các tổng thống Mỹ tiền nhiệm George W. Bush và Barack Obama phản đối nhưng có khả năng Tổng thống Trump sẽ hành động khác họ và ủng hộ thông qua dự luật này.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn
Trả lời