Dù 30 đầu mối cung ứng xăng dầu cạnh tranh gay gắt nhưng người tiêu dùng lại không được tiếp cận các mức giá khác nhau thì vẫn chưa có thị trường đúng nghĩa
Giám đốc một chi nhánh xăng dầu khu vực phía Bắc (thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex) nhìn nhận: “Đến nay, nhiều địa bàn không thể phát triển bán lẻ, giữ được hệ thống đã là khó lắm rồi. Bán lẻ chỉ dám phấn đấu tăng trưởng 2%/năm”.
Thị phần chia năm xẻ bảy
Cũng theo vị giám đốc trên, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng do thị trường đối mặt với những diễn biến mới như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp sản phẩm ra thị trường vào quý III/2017, việc áp dụng lộ trình tiêu chuẩn khí thải…
Trên địa bàn kinh doanh 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam của Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh có tới 10 đầu mối cung cấp xăng dầu, như PVOil Nam Định, PVOil Ninh Bình, PVOil Hà Nội, Chi nhánh PVOil Ninh Bình tại Hà Nam, Tổng Công ty Xăng dầu quân đội, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP 68… Đáng nói, đây là khu vực kinh tế chậm phát triển, các ngành chủ chốt như công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, giao thông vận tải… có bước chuyển biến chưa đáng kể, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng chậm.
Người tiêu dùng chưa hưởng lợi nhiều từ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp xăng dầu Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Lưu Đào Nguyên, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, cho biết các đầu mối trên địa bàn giành thị trường rất quyết liệt với nhiều ưu đãi như trả thù lao cao, bán hàng chậm trả… “Có đầu mối thường xuyên chào bán xăng dầu với mức thù lao cao hơn của công ty từ 100-300 đồng/lít, thậm chí có thời điểm đến 400-500 đồng/lít. Các đầu mối khác thường xuyên tiếp cận, tiếp thị khách hàng của công ty” – ông Nguyên nói.
Với địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chỉ riêng tuyến đường ra cửa khẩu Tân Thanh, có tới 5 doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu “chia phần” bán hàng. Ông Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Bắc (phụ trách địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn), phản ánh tình trạng các đầu mối đối thủ lôi kéo khách hàng lớn với mức giảm giá tới 400-500 đồng/lít, trong khi Petrolimex chỉ có thể giảm 100-200 đồng/lít. Hay như quy định khu vực giáp ranh bán giá vùng 2 (cao hơn giá vùng 1) cũng khiến các chi nhánh, công ty vất vả trong kinh doanh.
Chưa vì người tiêu dùng
Nhìn từ thực tế trên thì không thể phủ nhận thị trường xăng dầu đã không còn là độc quyền của một hoặc một vài ông lớn nữa. Mức độ cạnh tranh đã thực sự gay gắt khi không chỉ ở các thị trường lớn mà tại những địa phương được cho là kém phát triển cũng có mặt hàng chục đầu mối xăng dầu.
Song, vì sao khi nhắc đến xăng dầu, người tiêu dùng và thậm chí cả giới chuyên gia luôn cho rằng thị trường không có cạnh tranh mà vẫn tồn tại độc quyền. Một trong những nguyên nhân quan trọng là bởi giá bán đến người tiêu dùng của tất cả đầu mối đều như nhau. Sự cạnh tranh, tăng giảm lợi ích chỉ trong phạm vi từ các DN đầu mối đến thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Người tiêu dùng vẫn đứng ngoài và là đối tượng chịu mức giá cuối cùng như nhau.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng không phải không có lý do khi trước đây, rất nhiều lần ông đã nhận xét: “Ngành xăng dầu có tồn tại độc quyền nhóm”. Bởi lẽ, khi nói đến cạnh tranh gay gắt của khoảng 30 đầu mối cung ứng xăng dầu trên cả nước nhưng người tiêu dùng lại không được tiếp cận các mức giá khác nhau thì rõ ràng vẫn chưa có thị trường đúng nghĩa. Ông đề xuất bỏ lợi nhuận định mức 300 đồng trong mỗi lít xăng dầu để đặt các DN vào thế phải “nhìn” đối thủ trước khi đưa ra giá bán.
PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhìn nhận Nghị định 83 đã phát huy được một phần mục tiêu đưa xăng dầu Việt Nam gần với cơ chế thị trường, gần với thị trường thế giới hơn.
Tuy nhiên, theo ông Đào, cần phải đẩy nhanh tốc độ thị trường hóa mặt hàng xăng dầu hơn nữa, không chỉ dừng lại ở mức giá chung do nhà nước điều hành mà cần tiến tới người dân có thể được lựa chọn.
“Giá xăng dầu làm sao phải cạnh tranh thực sự như giá lương thực chẳng hạn. Điều đó đòi hỏi DN phải tiết giảm chi phí, cân nhắc đầu vào, đầu ra cho hợp lý” – ông Đào góp ý.
Nên để thị trường quyết định
Giám đốc một công ty xăng dầu phía Bắc than phiền về việc xin mở cửa hàng rất khó khăn. “Khó nhất là gặp lãnh đạo tỉnh. Bộ Công Thương chỉ quy hoạch cây xăng trên quốc lộ, còn trong địa bàn mỗi tỉnh thì bộ ủy quyền cho tỉnh quyết định. Chưa kể, các quy định trong luật về đất đai cũng rất phức tạp” – giám đốc công ty này bức xúc.
Theo PGS-TS Đặng Đình Đào, nếu không giảm bớt các điều kiện kinh doanh và hạn chế được đòi hỏi “bôi trơn” từ phía địa phương thì thị trường xăng dầu vẫn chưa thực sự cạnh tranh. “Nhiều chỗ đẹp, thuận lợi, DN lớn nắm cả rồi, tư nhân nhỏ lẻ hoặc nước ngoài có vào cũng khó cạnh tranh được. Tư tưởng quản lý tạo rào cản sẽ là cản trở lớn. Phải coi xăng dầu cũng như các loại vật tư khác như sắt thép, xi-măng… cần được vận hành theo cơ chế thị trường bên cạnh các quy định về chất lượng, phòng chống cháy nổ” – ông Đào nêu thực tế.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng nếu nhà nước vẫn quản lý, định đoạt giá thì dù có bao nhiêu đầu mối xăng dầu đi nữa cũng không có cạnh tranh đúng nghĩa. “Giai đoạn hiện nay đang là một bước chuẩn bị để hướng tới thị trường thực sự, một thời kỳ “nửa nhà nước, nửa thị trường”. Để cho các DN cạnh tranh trước, đến khi xác lập được thị trường thì sẽ thả giá xăng dầu cho thị trường” – ông Độ gợi ý.
Nguồn tin: nld.com.vn
Trả lời