Sau nhiều năm giao thương dầu thô và các sản phẩm xăng dầu suôn sẻ giữa Iran, Qatar với các khách hàng Châu Á, thì rào cản dường như đang trở lại.
Tuần này, số liệu cho thấy sự suy giảm xuất khẩu dầu từ hai thành viên OPEC tới các khách hàng chủ chốt ở Châu Á. Bloomberg báo cáo rằng xuất khẩu dầu thô của Qatar sang châu Á đã giảm mạnh, trong khi Reuters cho thấy cùng một số liệu đối với Iran. Xuất khẩu của Iran tới Châu Á giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12, xuống còn 1,58 triệu thùng/ngày, trong khi dầu Iran xuất khẩu trong năm 2017 sang châu Á tăng 2,5% đạt mức 1,67 triệu thùng/ngày. Sự sụt giảm trong xuất khẩu dầu của Iran hồi tháng 12 được coi là kết quả từ lời đe dọa của chính quyền tổng thống Trump về khả năng gia hạn các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với chương trình hạt nhân của Tehran.
Đối với Iran, tương lai trông có vẻ ảm đạm, ngay cả những người ủng hộ châu Á kiên định như Trung Quốc cũng đang ít quan tâm đến lĩnh vực dầu khí Iran. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng dầu mua vào tháng 12 của Trung Quốc từ Iran giảm 17,2% xuống còn 571.275 thùng/ngày, trong khi khối lượng nhập khẩu của Ấn Độ cũng giảm 6,2%. Nhật Bản, được coi là dưới sức ép của Washington và Ả-rập Xê-út (cùng với sự hỗ trợ của UAE), cũng cho thấy lượng dầu nhập khẩu từ Iran giảm 11,2%, xuống còn 218.757 thùng/ngày.
Những con số tương tự cũng được báo cáo cho xuất khẩu dầu của Qatar. Xuất khẩu dầu của bán đảo này sang Nhật và Hàn Quốc được báo cáo là giảm hơn 20% trong năm 2017. Xuất khẩu của Qatar sang Nhật Bản giảm gần 25%, trong khi Hàn Quốc nhập khẩu 26% ít hơn. Những con số này trái ngược với thực tế là nhà lãnh đạo của OPEC -Saudi Arabia cho thấy mức tăng trưởng 8,1% trong khối lượng dầu xuất sang Nhật Bản.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu là do cách tiếp cận thị phần của Ả-rập Xê-út mạnh bạo hơn nhiều. Các quan chức của JOGMEC tuyên bố rằng Aramco đang sử dụng việc cắt giảm sản lượng của OPEC và cắt giảm khối lượng xuất khẩu của Saudi tới Mỹ và châu Âu đã dẫn đến nhiều dầu hơn xuất hiện ở thị trường châu Á.
Đối với Qatar, đó là một tình huống tuyệt vọng, vì xuất khẩu dầu thô là nguồn thu chủ yếu. Qatar xuất khẩu 86 triệu thùng dầu thô sang Nhật Bản (-23%), Hàn Quốc nhập khẩu 65 triệu thùng vào năm 2017. Ả rập Xê út cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng 8,1%, chiếm thị phần ở Châu Á là 40,2%.
Iran và Qatar sẽ phải đánh giá các lựa chọn của họ trong những tháng tới, do sức ép lên thị phần châu Á sẽ tiếp tục. Đồng thời, mối đe dọa tiếp diễn của Trump đối với Iran sẽ bắt đầu gây khó khăn cho quốc gia Trung Đông này. Một số công ty phương Tây và châu Á đã cho biết họ sẽ đánh giá lại các hoạt động đang diễn ra của họ hoặc các thoả thuận đầu tư với Iran. Tin tức hé lộ rằng POSCO của Hàn Quốc đã chấm dứt một thỏa thuận hợp tác trị giá 1,6 tỉ USD với nhà sản xuất thép Pars Kohan Diar Parsian Steel (PKP) của Iran để xây dựng một nhà máy thép tại Khu Công nghiệp Tự do Chabahar của nước này. Áp lực từ Saudi bởi quỹ đầu tư công (PIF) – một trong những cổ đông chính kể từ năm 2015 – được xem là lý do.
Nhiều diễn biến như thế này được dự báo sẽ xảy ra trong những tháng tới, với áp lực gia tăng từ Washington và Riyadh lên việc đầu tư của các công ty quốc tế hoặc hoạt động ở Iran. Tập đoàn dầu khí Pháp Total (NYSE: TOT) cũng bị đồn đại là đang cảm thấy sức nóng; người trong cuộc nói rằng công ty đang đánh giá lại các lựa chọn với Iran do những đe dọa trừng phạt. Các công ty quốc tế và nhà đầu tư khác đã rất thận trọng trong cách tiếp cận của họ với Iran. Qatar cũng không phải là ngoại lệ, vì các quan chức Saudi và Emirati có thể sẽ thúc giục các công ty quốc tế, công ty dịch vụ mỏ dầu và nhà đầu tư xem xét lại việc hợp tác với Doha.
Nguồn tin: xangdau.net
Trả lời