Ứng phó ra sao khi xăng dầu tăng giá, thiếu nguồn cung?

Giá xăng dầu thế giới đang tăng cao. Ngoài việc lo thiếu nguồn cung khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa trở lại hoạt động 100% công suất thì việc xăng dầu trong nước tăng cao cũng mang lại nhiều thách thức với nền kinh tế.

Báo cáo cập nhật số liệu nguồn cung

Ngay sau khi giá xăng dầu tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 11/2, hiện tượng đóng cửa cây xăng vì hết nguồn cung tạm thời được giải quyết. Hàng loạt cây xăng được mở lại. Tuy nhiên, ở một số tỉnh miền Tây vẫn có hiện tượng xin đóng cửa vì thiếu nguồn cung như An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ… do một đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu xin tạm dừng cung cấp xăng dầu cho hệ thống đại lý.

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, kể từ giữa tháng 01/2022, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn – đối tác cung ứng xăng dầu lớn trong nước cắt giảm công suất hoạt động do khó khăn nội bộ, dẫn tới việc không cung cấp đủ lượng xăng dầu theo hợp đồng đã ký với Petrolimex đã khiến Petrolimex bị ảnh hưởng bởi tình thế “bất thường”.

Theo thống kê của Tập đoàn, sản lượng xăng dầu Petrolimex cung ứng ra thị trường bình quân trong 4 ngày trước khi liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá (từ ngày 07/02 đến 10/02/2022) đã tăng 53% so với sản lượng bán bình quân ngày của năm 2021 và tăng 38% so với bình quân ngày tháng 12/2021 (tháng có nhu cầu cao nhất sau khi nền kinh tế của Việt Nam hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ thích ứng linh hoạt trong tình hình mới).

Tuy nhiên, với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước, Petrolimex nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng cho hệ thống phân phối, bao gồm các thương nhân nhượng quyền bán lẻ của Petrolimex theo hợp đồng đã ký trong mọi tình huống. Để làm được điều này, trong Quý I/2022, Petrolimex dự kiến nhập khoảng 2.356.000 m3, tấn xăng dầu các loại để cung ứng ra thị trường dù việc nhập khẩu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình chung của thế giới.

Đại diện Petrolimex cũng khẳng định, chỉ cung cấp xăng dầu cho các đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng xăng dầu, không bán cho các đơn vị chưa có hợp đồng với Petrolimex để tránh trường hợp các đầu mối, cửa hàng không tìm được nguồn lại đổ sang Petrolimex, trong khi Petrolimex không thể cung cấp khối lượng tăng đột biến được.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để đảm bảo nguồn cung, Vụ đã yêu cầu các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải báo cáo cụ thể các số liệu liên quan tới lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay cũng như cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường, kế hoạch nhập khẩu để Bộ nắm tình hình điều hành cho phù hợp.

Cần điều chỉnh các loại thuế liên quan

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế mà giá xăng dầu liên tục tăng cao không những làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá giảm 2% thuế VAT đang thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát mà còn có thể dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Do đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai Bộ cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế, đặc biệt Bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ đã tính đến các biện pháp để hạn chế mức tăng giá của xăng dầu như sử dụng các công cụ thuế, phí để điều hành giá xăng dầu nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Nguồn tin: Pháp luật

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Xu hướng vận động thị trường dầu mỏ thế giới năm 2020 (Phần 2)

Nhu cầu tiêu thụ suy giảm, nguồn cung vẫn dư thừa song an ninh nguồn cung lại không phải là mối quan tâm lớn trong năm 2020, khi có nhiều nhân tố có thể bù đắp cho rủi ro suy giảm nguồn cung hiện tạ..

OPEC quyết định nâng sản lượng, giá dầu “cài số lùi”

Giá dầu hôm thứ Hai giảm do thị trường lo ngại trước tác động từ việc OPEC và Nga quyết định tăng khai thác dầu mỏ.  
Ảnh minh họa.
Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 8 giao dịch trên s

Ủy ban Kinh tế: Cần tính kỹ việc hút thêm dầu để đạt kế hoạch GDP

Trong khi tăng khai thác dầu là giải pháp đầu tiên được nhà điều hành nhắc tới nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cơ quan thẩm tra lại cho rằng việc này cần được tính kỹ.
Giữ quan điểm “c..

Vì sao giá dầu mỏ tăng cao?

Trong các phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018, thị trường dầu mỏ thế giới đã có sự biến động mạnh khi giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2015.  
Ảnh minh họa
Tình trạng bất ổn tại I..