Vì sao giá dầu mỏ tăng cao?

Trong các phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018, thị trường dầu mỏ thế giới đã có sự biến động mạnh khi giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2015.  

Ảnh minh họa

Tình trạng bất ổn tại Iran, một loạt số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và Đức, vỡ đường ống dẫn dầu ở Libya và Anh được cho là đã tác động lớn tới thị trường “vàng đen”. Bên cạnh đó, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hợp tác với Nga thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ được dự báo sẽ khiến giá dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới, giúp các nhà sản xuất giảm thiệt hại kinh tế.
Chạm mức cao nhất sau hơn 2 năm

Mở phiên giao dịch ngày 2-1 tại thị trường London (Anh), hai loại dầu thô đều có giá hơn 60 USD/thùng. Ðáng chú ý, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã chạm mức 60,74 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3-2018 chốt phiên ở mức 66,57 USD/thùng, sau khi có thời điểm lên 67,29 USD/thùng. Phiên giao dịch này cũng đã ghi nhận chênh lệch về giá giữa hai loại dầu WTI và dầu Brent Biển Bắc được thu hẹp nhất trong hai tuần qua.

Tiếp đó, trong phiên giao dịch ngày 3-1, giá dầu thế giới tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua. Cụ thể, tại thị trường New York/London, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) khép lại phiên này tăng 1,26 USD, hay 2,1%, lên 61,63 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,9% (khoảng 1,27 USD) và chốt phiên ở mức 67,84 USD/thùng. Trong phiên này, giá dầu WTI đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 6-2015, còn giá dầu Brent có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5-2015.

Trong khi đó, tại phiên giao dịch ngày 4-1, giá dầu tại thị trường châu Á “vọt” lên mức cao nhất hai năm rưỡi và neo ở quanh mức cao chưa từng thấy kể từ trước thời điểm thị trường hàng hóa toàn cầu sụt giảm trong giai đoạn năm 2014 – 2015. Cuối phiên 4-1, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu WTI giao kỳ hạn tăng 53 xu Mỹ (0,9%), lên 62,16 USD/thùng.

Trước đó, vào giữa phiên, giá dầu này có lúc leo lên mức 62,21 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5-2015. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 39 xu Mỹ trong phiên này (0,9%), lên 68,23 USD/thùng, sau khi rời khỏi mức cao nhất kể từ tháng 5-2015 là 68,27 USD/thùng ghi nhận vào giữa phiên.

Nguyên nhân nào?

Các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thế giới biến động là những tin tức liên quan vụ nổ đường ống dẫn dầu tại Libya. Vụ nổ xảy ra tại đường ống dẫn dầu xuất khẩu nối với cảng Al-Sidra ở miền đông Libya được cho là có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu của quốc gia Bắc Phi từ 70 đến 100 nghìn thùng/ngày. Trong khi đó, sự cố rò rỉ đường ống dẫn dầu Forties ở Biển Bắc thuộc Anh, dù đã được nối lại hoạt động, cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động cung cấp dầu cho châu Âu.

Ngoài ra thời tiết băng giá tại Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ các loại năng lượng bật tăng cao trong ngắn hạn, đặc biệt là đối với dầu sưởi ấm. Bên cạnh đó, một loạt số liệu kinh tế lạc quan của Đức và Mỹ cũng góp phần tạo nên sự khởi sắc của giá dầu. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã rơi xuống mức thấp nhất trong tháng 12-2017, qua đó củng cố đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Kinh tế Mỹ cũng phát đi tín hiệu tích cực khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy tăng mạnh hơn dự đoán trong tháng 12-2017.

Một trong những yếu tố nữa ảnh hưởng đến giá dầu trong các phiên dịch đầu năm 2018 và được đánh giá sẽ tác động không nhỏ tới thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian tới là tình trạng bất ổn ở Iran, một thành viên của OPEC. Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC, với sản lượng mỗi ngày lên tới 3,8 triệu thùng. Do đó, những biến động xảy ra với ngành dầu mỏ nước này có thể ảnh hưởng tới giá dầu thế giới.

Mặc dù theo các nguồn tin trong ngành dầu mỏ Iran ngày 2-1, hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của nước này không bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 30-12-2017 đồng thời khẳng định biểu tình chỉ diễn ra trên các đường phố, không lan sang ngành dầu mỏ, song không tránh khỏi tâm lý lo ngại của giới đầu tư.

Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài giá dầu giảm sâu, các nước trong OPEC và Nga đã nỗ lực phối hợp nhằm làm giảm thiệt hại kinh tế. Các nước nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ đến hết năm 2018, nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn đợt giá dầu giảm mạnh trong tương lai. Nhờ thế đã đẩy giá dầu tăng gần 20% so cách đây một năm.

Tuy nhiên, hiện Nga đang muốn có thông điệp rõ ràng về việc thỏa thuận cắt giảm này sẽ kết thúc như thế nào để thị trường không bị rơi vào thâm hụt quá sớm. Bởi giá dầu hiện đã tăng lên 60 USD/thùng khiến Nga lo ngại kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể dẫn tới việc tăng mạnh sản lượng dầu thô tại Mỹ, nước vốn không tham gia thỏa thuận. Liên minh 24 nước do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu nhất trí sẵn sàng điều chỉnh lại chính sách này nếu việc tăng giá dầu khiến các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, vốn tạm ngừng sản xuất khi giá dầu xuống thấp, trở lại thị trường.

Với giá dầu đang ở mức cao nhất trong hơn hai năm qua, các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ bắt đầu hoạt động trở lại sau khi tạm ngừng sản xuất. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 16% kể từ giữa năm 2016, lên 9,75 triệu thùng/ngày vào thời điểm cuối năm 2017. Các chuyên gia dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018.

Ngoài ra, giá dầu biến động cũng được cho là do tác động của báo cáo mới nhất từ Viện Dầu khí quốc gia Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm gần 20% so với mức cao lịch sử được ghi nhận vào tháng 3-2017, xuống 431,9 triệu thùng. Điều này giúp giới đầu tư thêm tin tưởng vào triển vọng tái cân bằng thị trường dầu mỏ, khi tình trạng dôi dư nguồn cung dần được khắc phục. Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ, hiện có khả năng sẽ sớm phá vỡ ngưỡng 10 triệu thùng/ngày, là nhân tố duy nhất đe dọa triển vọng “sáng”của thị trường năng lượng trong năm 2018.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu mỏ thế giới tăng cao nhất trong hơn 2 năm qua ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2018 bởi các cường quốc dầu mỏ đã có những biện pháp nhằm kiểm soát giá dầu cũng như có hướng đi riêng. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, giá dầu sẽ tiếp tục được “nâng đỡ” nhờ nhu cầu dầu thô tăng mạnh và thị trường “vàng đen” được kỳ vọng sẽ vượt qua thời kỳ ảm đạm khi các dự báo đều cho thấy nguồn cung dầu mỏ đang có xu hướng giảm.

Nguồn tin: baopjapluat.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Giá dầu tăng mạnh do nổ đường ống dẫn dầu ở Libya

Giá dầu thô trên thế giới tăng mạnh vào hôm 26.12 ngay khi có báo cáo về một vụ nổ đường ống dẫn dầu ở Libya.
Việc gián đoạn nguồn cung có xu hướng đẩy giá dầu lên cao..

Chi gần 85.000 tỷ đồng nhập khẩu xăng dầu trong 5 tháng đầu năm

Nhập khẩu xăng dầu tăng kéo theo giá nhập tăng mạnh khiến áp lực tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng như khiến giá cả hàng hóa tăng cao.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hả..

Quỹ bình ổn giá là gì?

1. Quỹ bình ổn giá là gì? Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá […]

100 USD một thùng dầu có thể? Wells Fargo cho rằng không tưởng

100 USD 1 thùng dầu là một “ý tưởng viễn vông”, theo một nhà đầu tư mới của Wells Fargo.
Chiến lược gia John LaForge cho biết “100 USD/thùng dầu vẫn là một ý tưởng viễn vông ống” do “sản l..