Giá xăng dầu Việt Nam hiện đang và dự kiến tiếp tục đạt kỷ lục lịch sử mới. Tuy nhiên, mức giá này vẫn sẽ tương đương với giá trung bình của thế giới.
Tình hình giá xăng dầu trong khu vực và trên thế giới
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tiếp tục xu hướng tăng. Dữ liệu của trang Market Watch sáng 30/5 (theo giờ Việt Nam) cho thấy, giá dầu WTI có lúc đạt 116,32 USD/thùng. Như vậy, so với mức thấp trong tuần (108 USD/thùng vào ngày 24/5), giá đã tăng hơn 5%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt gần 120 USD/thùng.
So với mức thấp trong tuần qua (111,7 USD/thùng hôm 24/5), giá dầu chuẩn quốc tế đã tăng khoảng 5%. Giá của cả hai loại dầu trên đều chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 3. Các chuyên gia cho rằng, đà tăng của giá dầu thô hiện nay chủ yếu do nhu cầu sử dụng nhiên liệu và các sản phẩm chế xuất từ dầu thô trên toàn cầu đang tăng
mạnh.
Theo cập nhật mới nhất của giá xăng dầu trên trang Global Petrol Prices, giá xăng trung bình trên thế giới là 1,39 USD/lít. Global Petrol Prices nhấn mạnh sự khác biệt về giá giữa các quốc gia và khu vực. Theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá cao hơn trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất – xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt về giá là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.
Trên sàn giao dịch New York Mercantile, giá dầu WTI giao tháng 7 tăng 0,9% lên mức 115,07 USD/thùng; giá dầu Brent trên sàn giao dịch London ICE Futures giao tháng 7 cũng tăng 1,7% lên mức 119,43 USD/thùng. Giá dầu tăng một phần là do nhu cầu xăng tăng trong khi dự trữ xăng tại Mỹ thấp.
Theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ, xăng lưu kho của nước này hiện thấp hơn 8% so với mức trung bình dự trữ ở thời điểm hiện tại trong 5 năm gần nhất. Hiện các bên tham gia thị trường cũng đang theo dõi chặt chẽ động thái của Liên minh châu Âu (EU) khi khối này tiếp tục thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga.
Trong danh sách thống kê giá mỗi lít xăng của Global Petrol Prices, Venezuela có giá rẻ nhất, chỉ 0,022 USD, tiếp theo là Libya (0,031 USD), Iran (0,053 USD). Trong khi đó, Top 5 khu vực có giá xăng cao nhất là Hồng Kông (Trung Quốc) với 2,929 USD/lít, Na Uy là 2,564 USD/lít, Phần Lan là 2,534 USD/lít, Đan Mạch (2,495 USD/lít) và Trung Phi (2,441 USD/lít).
Trong số 10 quốc gia rẻ nhất hàng đầu, 4 quốc gia nằm ở châu Á và châu Phi. Tại khu vực Đông Nam Á, giá xăng dầu rẻ nhất là ở Malaysia với 0,467 USD/lít, trong khi giá xăng ở Singapore lại có mức giá gấp hơn 4 lần là 2,249 USD/lít. Với Thái Lan là 1,504 USD/lít, Lào là 1,672 USD/lít và Campuchia là 1,391 USD/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 tiếp tục tăng so với ngày 23/5 ở mức 142,44 USD/thùng đối với xăng RON 92 và 150,62 USD/thùng đối với xăng RON 95.
Các chuyên gia quốc tế chỉ ra nhiều lý do khiến giá xăng dầu vẫn ở đà tăng, bao gồm thị trường Mỹ bị thắt chặt và nhu cầu dầu tại Trung Quốc có dấu hiệu sẽ đi lên. “Cả giá dầu thô Brent và WTI đều tiếp tục đi lên. Với các thương lái, mối lo ngại về việc kinh tế Trung Quốc suy thoái đang giảm dần. Cùng với đó là niềm tin rằng thị trường dầu diesel của Mỹ vẫn ngày càng thắt chặt”, nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley tại Hãng tư vấn Asia Pacific OANDA (Singapore) nhận định.
Diễn biến giá xăng dầu với Việt Nam ra sao?
Hiện Việt Nam xếp ở vị trí 79/170 quốc gia và khu vực trên thế giới theo danh sách của Global Petrol Prices. Trong kỳ điều chỉnh gần nhất của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá bán lẻ xăng trong nước tăng thêm gần 700 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 lên mức cao nhất lịch sử là 30.650 đồng/lít (tương đương 1,32 USD/lít). Như vậy, giá xăng hiện tại của Việt Nam vẫn thấp hơn một chút sao với giá xăng trung bình trên thế giới (1,39 USD/lít).
Trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng như vậy, Bộ Tài chính đã quyết định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022. Mức giảm thuế này giúp hạ nhiệt giá xăng dầu từ đó hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Biểu đồ biến động giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua. Ảnh: Zing News |
Do giá xăng dầu thế giới những ngày qua có xu hướng tăng nên giá xăng dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh giá ngày 1/6 cũng sẽ tăng theo. Hiện giá bán lẻ của các loại xăng trong nước đang thấp hơn giá bán xăng thành phẩm trung bình trên thị trường Singapore từ 350-850 đồng/lít. Do đó, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 350-850 đồng. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt 31.000 đồng/lít, còn giá dầu cũng có thể tăng nhẹ. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp.
Trong bối cảnh Quỹ bình ổn đang âm nặng, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc giảm thêm các loại thuế, phí, Chính phủ cần xây dựng kho dự trữ quốc gia riêng và nâng mức dự trữ xăng dầu để ổn định nguồn cung, chủ động điều tiết giá.
Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 13 kỳ điều hành giá có tới 10 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm. Giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng 6.741-6.774 đồng/lít. Còn tính trong 2 năm qua, giá xăng trong nước đã tăng tới gần 20.000 đồng/lít.
Nguồn tin: Công thương
Trả lời