Theo dự báo ở kỳ điều hành ngày 1/7, giá các mặt hàng xăng có thể giảm nhẹ khoảng 150-300 đồng/lít và dầu diesel giảm khoảng 200-260 đồng/lít.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 có xu hướng giảm nhẹ so với kỳ trước.
Cụ thể, xăng RON 92 là 148,53 USD/thùng, RON 95 ở mức 155,79 USD/thùng. Trong khi bình quân giá xăng kỳ điều hành trước là 149,59 USD/thùng xăng RON 92 và 156,21 USD/thùng xăng RON 95.
Tuần qua giá xăng và dầu thế giới giảm 3-5% nhưng 2 phiên gần đây tăng trở lại. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 2,89 USD ( 2,51%) lên 118 USD một thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng đắt hơn 2%, lên mức 111,76 USD một thùng. Sang phiên 29/6, giá WTI tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung thế giới bất ổn.
Do đó, theo tính toán của lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM, sau kỳ điều hành ngày 21/6, giá dầu thô thế giới giảm vì những lo ngại về rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên gần đây giá lại bật tăng trở lại.
Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng có thể giảm nhẹ khoảng 150-300 đồng/lít và dầu diesel giảm khoảng 200-260 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá mặt hàng này sẽ giảm ít hơn.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi dư địa Quỹ bình ổn không còn nhiều, doanh nghiệp đầu mối lớn âm quỹ và 7 kỳ điều chỉnh tăng liên tục vừa qua Quỹ bình ổn đã liên tục chi từ 100-1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng liên tiếp.
Chung quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng xăng dầu đã tăng liên tiếp nhiều tháng qua nên kỳ điều hành này, nhà điều hành có thể thiên về phương án không trích quỹ để hạ nhiệt. “Nếu tính toán kỹ lưỡng, xăng có thể giảm tối đa 300 đồng một lít”, Giám đốc một doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội nói.
Theo báo cáo tháng 6 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng trong tháng 5 ngay cả khi khối lượng giảm. Các lệnh cấm của phương Tây với Nga khiến giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong khi các nhà sản xuất dầu lớn khác vẫn chưa có đợt tăng nguồn cung đáng kể nào.
Saudi Arabia và UAE được coi là hai thành viên duy nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có năng lực dự phòng để bù đắp cho nguồn cung bị mất của Nga nhưng sản lượng vẫn không nhiều.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho biết những thùng dầu trữ “ngày mưa” mà thị trường đang dựa vào có thể không xuất hiện. Do đó, giá xăng dầu thế giới có nguy cơ tăng cao trở lại.
Tại kỳ điều hành ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng một lít.
Theo đó, mỗi lít E5 RON 92 giá hiện là 31.300 đồng; RON 95-III là 32.870 đồng. Dầu diesel tăng mạnh nhất, lên mức 30.010 đồng, dầu hỏa là 28.780 đồng một lít còn dầu mazut là 20.730 đồng một kg.
Để hạ nhiệt giá xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu từ ngày 1/8. Theo đó, nếu nghị quyết đề xuất được thông qua giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng/lít (gồm VAT).
Tuy nhiên, trước bối cảnh giá dầu thô có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng mức đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng là quá ít.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường
Trả lời