Thị trường dầu mỏ thế giới đã chứng kiến một tuần đầy hứng khởi với ba phiên tăng giá liên tiếp và tiếp tục tăng mạnh vào cuối tuần.
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới đã chứng kiến một tuần đầy hứng khởi với ba phiên tăng giá liên tiếp và tiếp tục tăng mạnh vào cuối tuần, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng tái cân bằng cung cầu, qua đó thúc đẩy hoạt động mua vào trên thị trường.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng gần 3% và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng hơn 4%.
Một tuần đầy hứng khởi của thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh: Reuters
Trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 9/10), giá dầu thế giới đi lên trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) “đánh tiếng” về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Trong một phát biểu, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết các cuộc tham vấn đang được tiến hành nhằm kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ sau tháng 3/2018.
Ông cũng nhấn mạnh các thành viên trong và ngoài OPEC có thể thực hiện một số biện pháp “đặc biệt” để đảm bảo thị trường cân bằng trong dài hạn.
Giá dầu tăng phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 10/10 sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu vào tháng 11/2017. Ngoài ra, sản lượng dầu mỏ của Mỹ tại Vịnh Mexico có thể giảm tới 1,49 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của cơn bão Nate cũng giúp đẩy giá dầu đi lên. Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Lipow Oil, cho biết Saudi Arabia sẽ cắt giảm nguồn cung dầu khoảng 560.000 thùng/ngày vào tháng 11/2017.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 11/10 và là phiên tăng thứ ba liên tiếp sau khi OPEC cho biết thị trường dầu mỏ có dấu hiệu cân bằng trở lại. Theo báo cáo hàng tháng của OPEC, nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2017 dự kiến sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày.
Sang năm 2018, nhu cầu dầu thế giới dự báo sẽ tăng thêm khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, nhờ triển vọng kinh tế thế giới đang được cải thiện, nhất là tại Trung Quốc và Nga. OPEC cũng cho biết thị trường dầu mỏ đang thắt chặt dần sau nhiều năm dư thừa nguồn cung.
Mặc dù giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch 12/10, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu trong năm 2018, song giá mặt hàng này đã lấy lại đà tăng và bứt phá mạnh mẽ trong phiên cuối tuần (13/10). Chốt phiên, giá dầu đã vọt lên mức cao nhất trong tháng này, với giá dầu Brent tăng 92 xu Mỹ (1,6%) lên 57,17 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 85 xu Mỹ (1,7%) lên 51,45 USD/thùng.
Các chuyên gia nhận định thị trường dầu mỏ đã nhận được lực đẩy từ số liệu mới về hoạt động nhập khẩu “vàng đen” của Trung Quốc. Trong tháng Chín, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nhập khẩu 9 triệu thùng dầu/ngày và trung bình trong 9 tháng qua quốc gia này nhập khẩu 8,5 triệu thùng dầu/ngày. Thống kê này đang củng cố vị thế của Trung Quốc như nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó là thông tin ngày 13/10 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), khi không xác nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận này.
Dù Tổng thống Trump không rút Mỹ khỏi JCPOA, nhưng ông đã để cho Quốc hội nước này thời gian 60 ngày để quyết định xem liệu có áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, một trong những quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông, hay không.
Bên cạnh đó, tình hình bất ổn tại Iraq cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu. Ngày 13/10, quân đội Iraq đã triển khai một chiến dịch nhằm giành lại những vị trí do người Kurd đang chiếm giữ tại thành phố Kirkuk giàu dầu mỏ. Trước diễn biến mới này, Chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG) đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tới khu vực xung quanh Kirkuk. Một quan chức Kurd cho biết binh sĩ được vũ trang hạng nặng được lệnh phòng thủ bằng mọi giá.
Nguồn tin: bnews.vn
Trả lời