Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/1, giá dầu quay đầu phục hồi nhờ được hỗ trợ từ hoạt động khoan dầu của Mỹ sụt giảm và xung đột ở Syria giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd tại Syria.
Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 68,79 USD/thùng, tăng 18 xu Mỹ hay 0,26% so với đóng cửa phiên cuối tuần trước. Trước đó, mặt hàng dầu này hôm 15/1 đã đạt ngưỡng 70,37 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 68,79 USD/thùng, tăng 18 xu Mỹ hay 0,26% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 63,53 USD/thùng, tăng 16 xu Mỹ, tương đương 0,25% so với phiên trước đó. Giá dầu WTI cũng ghi nhận mức đỉnh kể từ tháng 12/2014 tại 64,89 USD/thùng vào ngày 16/1.
Các thương nhân cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và hoạt động khoan dầu của Mỹ giảm đã hỗ trợ giá dầu trong phiên giao dịch hôm nay. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các nhà khoan dầu Mỹ đã cắt giảm 5 giàn khoan dầu trong tuần trước (tính tới 19/1), đưa tổng số giàn khoan xuống 747 giàn.
Tuy nhiên, số lượng giàn khoan trong năm 2017 và đầu năm 2018 vẫn cao hơn nhiều do với năm 2016, đưa sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 16% kể từ giữa năm 2016, lên 9,75 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, tình trạng xung đột ở khu vực Trung Đông cũng đang hỗ trợ giá dầu. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/1 đã tiến hành chiến dịch “Cành ô liu” nhằm vào lực lượng Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Afrin, Syria.
Ông Stephen Innes, Trưởng bộ phận thương mại tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương của Công ty môi giới Oanda ở Singapore, phân tích: “Tình hình xung đột tại Trung Đông thường khiến giá dầu tăng cao do khu vực này nằm ở vị trí chiến lược trong các tuyến đường cung cấp dầu”.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới phục hồi sau khi Ả Rập Saudi lần đầu tiên kêu gọi mở rộng thỏa thuận giữa các nhà sản xuất về cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng dư cung dầu mỏ trên toàn cầu. Ngày 21/1, Ả Rập Saudi cho biết các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong năm 2018 để tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khaled al-Faleh ngày 21/1 đã kêu gọi mở rộng hợp tác giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác sau năm 2018, sau khi đạt được thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu thô. Đây là lần đầu tiên Ả Rập Saudi, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, kêu gọi mở rộng thỏa thuận giữa các nhà sản xuất về cắt giảm sản lượng để hạn chế tình trạng dư cung dầu mỏ trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho biết các thị trường dầu mỏ đã mất đà kể từ giữa tháng 1 năm nay, khi giá đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Công ty Bernstein Energy cảnh báo rằng sự sụt giảm tồn kho dầu mỏ toàn cầu gần đây chỉ diễn ra trong ngắn hạn và lượng tồn kho có thể sớm tăng trở lại do nhu cầu giảm thường xảy ra vào cuối mùa đông ở bắc bán cầu. “Với nhu cầu toàn cầu giảm 0,5 triệu thùng/ngày trong quý I/2018 và sự gia tăng lượng cung của các nước trong và ngoài OPEC, chúng tôi dự kiến giá dầu sẽ chịu áp lực giảm giá trong thời gian tới.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn
Trả lời