Các ông lớn dầu khí trên toàn cầu đang đặt cược vào các khoản đầu tư ở mảng kinh doanh hạ nguồn (downstream) bao gồm các hoạt động kinh doanh xăng dầu và lọc hóa dầu, nhờ đó, kiếm thêm được thêm hàng tỉ đô la Mỹ.
Một cây xăng của BP ở ngoại ô Mexico City, Mexico.
Đầu tư cây xăng, nhà máy lọc hóa dầu
Theo tờ The Wall Street Journal, các ông lớn dầu khí toàn cầu đang đẩy mạnh đầu tư vào các cây xăng, các nhà máy lọc hóa dầu, một mảng kinh doanh từng bị bỏ bê trước đây, để gia tăng lợi nhuận và mở rộng nền tảng khách hàng.
Tập đoàn dầu khí BP (Anh) đã lên kế hoạch mở hàng ngàn cây xăng ở các thị trường mới như Mexico và Ấn Độ trong ba năm tới. Trong khi đó, tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Mỹ) đang đầu tư mạnh mẽ để mở rộng các hoạt động hóa dầu, sản xuất các sản phẩm như plastic và các thành phần cơ bản cho đủ chủng loại hàng tiêu dùng. Tháng 11 năm ngoái, tập đoàn dầu khí Shell (Hà Lan) khởi công xây dựng tổ hợp hóa dầu khổng lồ trị giá 6 tỉ đô la Mỹ ở bang Pennsylvania (Mỹ). Đây là nhà máy mới lớn nhất của tập đoàn này tại Mỹ kể từ thập niên 1960.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các tập đoàn dầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng công suất lọc dầu thêm 7,7 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2023. IEA ước tính các khoản đầu tư mới cho ngành công nghiệp hóa dầu ở Mỹ trong năm năm tới sẽ giúp công suất tăng thêm 13 triệu tấn mỗi năm để sản xuất ethylene, thành phần cơ bản của plastic.
Hoạt động lọc dầu ở Mỹ cũng đang phát triển bùng nổ. Sản lượng dầu đá phiến tăng vọt đã mang lại nguồn dầu giá rẻ và dồi dào gần trung tâm lọc hóa dầu của Mỹ ở khu vực bờ biển tiếp giáp Vịnh Mexico. Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh và đó là động lực thúc đẩy công ty lọc dầu Marathon Petroleum (Mỹ) thâu tóm thủ Andeavor với giá 23 tỉ đô la Mỹ vào tháng trước. Thương vụ này sẽ giúp tạo ra công ty lọc dầu lớn nhất nước Mỹ.
Các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới nhận thấy rằng đầu tư vào mảng kinh doanh hạ nguồn và các nỗ lực tái cấu trúc sẽ giúp họ thu về thêm hàng tỉ đô la Mỹ lợi nhuận.
Ngành công nghiệp dầu khí bắt đầu tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh hạ nguồn vào thời kỳ giá dầu thấp trong những năm trước đây cũng như do các lo ngại về nhu cầu dầu dài hạn. Mảng kinh doanh thượng nguồn (các hoạt động thăm dò và phát triển các mỏ dầu khí) chịu tổn thương khi giá dầu thấp.
Ngược lại, giá dấu thô rẻ giúp tăng biên lợi nhuận cho mảng kinh doanh lọc hóa dầu của các công ty dầu khí. “Các hoạt động thượng nguồn đôi khi không kiếm được lợi nhuận”, Tufan Erginbilgic, Giám đốc bộ phận bán lẻ và lọc dầu của BP, nói.
Hướng đi mới cho kỷ nguyên xe điện
Ngày nay, giá dầu thô tăng cao có thể khiến biên lợi nhuận của mảng lọc dầu sẽ không cao như những năm trước đây. Giới phân tích cảnh báo tất cả các khoản đầu tư mới có thể làm tràn ngập nguồn cung trên thị trường. Theo Jonathan Leitch, Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn thị trường năng lượng Wood Mackenzie, cần phải chờ xem nhu cầu của thị trường như thế nào.
Tuy nhiên, các ông lớn dầu khí toàn cầu lập nhận định rằng rất đáng để đầu tư vào mảng kinh doanh hạ nguồn dù xu hướng giá dầu thô diễn biến ra sao. Theo các tập đoàn dầu khí toàn cầu, việc kết hợp dầu thô khai thác được với mảng kinh doanh bán lẻ và lọc hóa dầu có thể giúp tối đa hóa lợi nhuận và duy trì các chỉ số tài chính ổn định trong bối cảnh giá dầu thô nhiều lúc dao động mạnh.
Các nhà đầu tư cũng đang gia tăng sức ép buộc các ông khí lớn dầu khí phải định vị hướng phát triển trong kỷ nguyên xe điện sắp tới, khiến nhiên liệu hóa thạch không còn được sử dụng rộng rãi cho xe chạy bằng động cơ đốt trong trên khắp thế giới. Lãnh đạo các tập đoàn dầu khí xem các nhà máy lọc hóa dầu như là phương án giúp đa dạng hóa đầu tư.
Theo IEA, các hoạt động hóa dầu được kỳ vọng sẽ trở thành động lực lớn nhất cho nhu cầu dầu thô trong những thập kỷ tới khi xe điện ngày càng phổ biến, làm giảm nhu cầu các nhiên liệu truyền thống.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn
Trả lời