ường quốc dầu mỏ Angola trong cơn suy thoái

Ngành dầu mỏ của Angola từng trải qua cơn tăng trưởng bùng nổ nhờ giá dầu vượt 100 đô la Mỹ/thùng. Song, từ năm 2014, khi thị trường dầu suy thoái, các tập đoàn năng lượng nước ngoài đã có dấu hiệu quay lưng với những dự án liên doanh mới ở nước này. 

Nhiều cao ốc, khu mua sắm đang được xây dựng ở thủ đô Luanda của Angola dù nhiều người dân nước này đang sống ở dưới mức nghèo khổ. Ảnh: New York Times

Các ông lớn dầu khí từ bỏ các dự án mới

Theo The Wall Street Journal, ngành dầu mỏ Angola từng là một thỏi nam châm thu hút các công ty dầu khí lớn nhất thế giới như BP, Exxon Mobil. Các tập đoàn này đã giúp xây dựng Angola thành cường quốc dầu mỏ toàn dầu, nâng sản lượng dầu ở nước này từ mức 718.000 thùng/ngày vào năm 2000 lên 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2016. Mức sản lượng này đưa Angola trở thành nước khai thác dầu lớn thứ tám trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Song giờ đây, hầu như tất cả các ông lớn dầu khí nước ngoài đều từ bỏ các dự án liên doanh khai thác mới ở miền nam châu Phi này.

Tập đoàn BP (Anh) đã dần rút ra khỏi một lô khai thác dầu xa bờ ở Angola. Tập đoàn Total (Pháp) thì sắp xếp lại nhân sự để giảm chi phí. Trong khi đó, tập đoàn Eni (Ý) đang tái đàm phán các hợp đồng cung cấp dịch vụ dầu khí ở nước này.

Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết các tập đoàn dầu khí nước ngoài đang giảm mạnh kế hoạch chi tiêu ở Angola nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác thuộc tiểu vùng Sahara, với mức cắt giảm ước tính khoảng 67 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2015-2020. Số giàn khoan dầu khí ở Angola giảm từ mức đỉnh 19 giàn vào tháng 2-2014 xuống còn chỉ ba giàn vào tháng 10-2017.

Khi mà giá dầu hiện nay đang quanh quẩn ở mức 60 đô la Mỹ/thùng, Angola trở thành điểm đầu tư đầy thách thức đối với các ông lớn dầu khí. Chi phí để bơm dầu từ các khu vực biển sâu của Angola rất lớn, do vậy các tập đoàn nước ngoài cần giá dầu ở mức ít nhất 73 đô la/thùng để các dự án tại nước này đạt điểm hòa vốn.

“Sản lượng dầu của Angola sắp giảm xuống vì không có dự án khai thác lớn nào được triển khai trong những năm qua”, nhà phân tích Adam Pollard từ công ty tư vấn Wood Mackenzie, nhận định.

“Công chúa Angola” bị sa thải

“Ngày nay, chúng tôi chỉ tìm kiếm những thùng dầu có lợi nhuận”, ông Guido Brusco, giám đốc điều hành Eni Angola, công ty con của tập đoàn Eni, nói. Ông cho biết các tập đoàn dầu khí nước ngoài có thể vẫn tiếp tục đầu tư ở Angola nhưng với điều kiện lãnh đạo nước này phải “có những quyết sách đúng đắn vào thời điểm hợp lý” khi tiến hành hàng loạt cải cách.

Bấy lâu nay, các tập đoàn dầu dầu khí nước ngoài phàn nàn với chính phủ Angola về các hợp đồng đang thua lỗ, bộ máy hành chính quan liêu và những quyết định chậm chạp từ tập đoàn dầu khí quốc gia Sonangol.

Các lãnh đạo Angola cho biết họ đang nỗ lực giải quyết các bức xúc này. Trong tháng 11 vừa qua, Tổng thống Angola Joao Lourenco, người vừa nhậm chức hồi tháng 9, đã sa thải bà Isabel dos Santos, 44 tuổi, con gái của vị tổng thống tiền nhiệm José Eduardo khỏi ghế chủ tịch của Sonangol.

Santos, có biệt danh “công chúa Angola”, là phụ nữ giàu nhất châu Phi với tổng tài sản ước tính khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ. Các lãnh đạo dầu khí nước ngoài phàn nàn rằng trong suốt nhiệm kỳ của Santos, Sonangol phản ứng rất chậm đối với các vấn đề của ngành dầu khí.

Kinh tế lao dốc theo giá dầu

Dầu khí chiếm đến 45% GDP của Angola so với mức 25% và 35% lần lượt ở Venezuela và Nigeria, hai quốc gia đang gặp khủng hoảng kinh tế vì giá dầu lao dốc. Do vậy, khi giá dầu giảm, nền kinh tế Angola đã lâm vào khủng hoảng với tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh xuống còn chỉ 1,1% trong năm 2016.

Đồng nội tệ kwanza mất giá nghiêm trọng, khiến giá cả một số mặt hàng tăng gấp năm lần. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ ba tiểu vùng Sahara châu Phi (49 nước), theo Liên Hợp Quốc, 1/3 trong tổng số 24 triệu người dân Angola đang sống dưới mức nghèo.

Từ năm 2002-2015, xuất khẩu dầu mang về cho Angola tổng cộng gần 600 tỉ đô la. Nguồn tiền thu được từ cơn bùng nổ dầu khí từ những năm trước đã khiến Luanda, thủ đô của Angola, vươn lên đứng đầu danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài trong năm 2017, theo bình chọn của công ty tư vấn Mercer. Giá thuê mỗi căn hộ ba phòng ngủ theo tiêu chuẩn quốc tế ở đây có thể lên đến 13.000 đô la Mỹ/tháng.

Các cao ốc văn phòng, chung cư nằm san sát ở Luanda. Tuy nhiên, giờ đây, một số dự án xây dựng nằm đắp chiếu, bao gồm dự án khu mua sắm rộng 300.000m2 ở trung tâm Luanda. Có những thời điểm vào năm 2016, bệnh viện Cajueiros ở Luanda, cũng như hầu hết bệnh viện khác trên đất nước Angola không còn kim tiêm, găng tay phẫu thuật và nhiều loại thuốc men. Cách duy nhất để bệnh nhân được nhận điều trị là người nhà của họ phải tìm mua những thứ này trên thị trường chợ đen.

Hồi tháng 6-2017, tập đoàn BP điều chỉnh giảm giá trị sổ sách tài sản xuống 750 triệu đô la sau khi chấp nhận từ bỏ 50% phần góp tại một dự án khai thác ngoài khơi bờ biển phía nam Angola, vì chỉ tìm thấy khí đốt, chứ không có dầu. Luật Angola quy định các tập đoàn dầu khí nước ngoài chỉ được phép khai thác dầu trong các dự án liên doanh, phần khí đốt thuộc về chính phủ Angola.

Các tập đoàn dầu khí nước ngoài muốn Angola cho phép họ hưởng phần khí đốt khai thác được trong các dự án liên doanh, đồng thời, kiến nghị hủy bỏ quy định bắt buộc họ phải mua dịch vụ và thiết bị có chất lượng thấp và trung bình từ các công ty trong nước.

Nguồn tin: thesaigontime.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Petrolimex mất gần 4.800 tỷ đồng sau kiểm toán

Tổng tài sản của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex mã chứng khoán PLX) sau khi kiểm toán giảm 4.781 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương đương mức 7%, còn 61.770 tỷ đồng.
Đây l

Độc lập của người Kurd phủ bóng đen lên thị trường dầu mỏ

Nỗ lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác đã đủ khiến cho giá dầu từ từ tăng lên mặc dù có rất nhiều biến động.
Phải mất một sự cố địa chí..

Giá xăng, dầu tăng hơn 400 đồng/lít

Giá xăng E5 tăng 429 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 430 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 448 đồng/lít… 
Giá xăng dầu tăng hơn 400 đồng/lít. Ảnh minh họa: TTXVN
Liên Bộ Công Thươn..

Bộ trưởng Tài chính: Kiểm soát giá xăng dầu không chỉ từ giảm thuế

“Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ ..