Biến động trên thị trường “vàng đen”

Giá dầu thế giới có sự biến động mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018, khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2015. Những diễn biến căng thẳng ở I-ran, vỡ đường ống dẫn dầu ở Li-bi và Anh đã tác động nhanh chóng tới thị trường “vàng đen”. Bên cạnh đó, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục “bắt tay” với Nga thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ được dự báo sẽ tiếp tục “nâng” giá dầu, giúp các nhà sản xuất giảm thiệt hại kinh tế.

Ảnh minh họa

Mở phiên giao dịch ngày 2-1 vừa qua tại thị trường Luân Ðôn (Anh), hai loại dầu thô đều có giá hơn 60 USD/thùng. Ðáng chú ý, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) đã chạm mức 60,74 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6-2015. Tuy nhiên, sau đó giá dầu đã giảm còn 60,37 USD vào chốt phiên. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3-2018 chốt phiên ở mức 66,57 USD/thùng, sau khi có thời điểm lên 67,29 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5-2015. Phiên giao dịch trong ngày này đã ghi nhận, chênh lệch về giá giữa hai loại dầu thô nêu trên được thu hẹp nhất trong gần hai tuần qua.

Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu biến động là những tin tức liên quan vụ nổ đường ống dẫn dầu tại Li-bi. Vụ nổ xảy ra tại đường ống dẫn dầu xuất khẩu nối với cảng An Xi-đra ở miền đông Li-bi được cho là có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu của quốc gia Bắc Phi từ 70 đến 100 nghìn thùng/ngày. Trong khi đó, sự cố rò rỉ đường ống dẫn dầu Forties ở Biển Bắc cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động cung cấp dầu cho châu Âu. Ngoài ra điều kiện thời tiết giá lạnh ở Mỹ đã gây áp lực đối với nguồn cung dầu khi nhu cầu dầu và khí đốt tăng cao. Và một trong những nguyên nhân nữa hiện nay được đánh giá sẽ tác động không nhỏ tới thị trường “vàng đen” là tình hình bất ổn ở I-ran. Là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC, với sản lượng lên tới 3,8 triệu thùng/ngày, những biến động xảy ra với ngành dầu mỏ I-ran có thể ảnh hưởng tới giá dầu thế giới. Mặc dù giới chức I-ran khẳng định hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của nước này vẫn diễn ra ổn định, bất chấp các cuộc biểu tình gây bạo loạn ở nhiều địa phương, song không tránh khỏi tâm lý lo ngại của giới đầu tư.

Sau một thời gian dài giá dầu giảm sâu, các nước xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài OPEC đã nỗ lực phối hợp nhằm làm giảm thiệt hại kinh tế. Các nước nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô đến hết năm nay, nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn đợt giá dầu “tụt dốc” thảm hại trong tương lai. Nhờ thế đã đẩy giá dầu tăng gần 20% so cách đây một năm. Tuy nhiên, hiện Nga đang muốn có thông điệp rõ ràng về việc thỏa thuận cắt giảm này sẽ kết thúc như thế nào để thị trường không bị rơi vào thâm hụt quá sớm. Bởi giá dầu hiện đã tăng lên 60 USD/thùng khiến Nga lo ngại kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể dẫn tới việc tăng mạnh sản lượng dầu thô tại Mỹ, nước vốn không tham gia thỏa thuận. Liên minh 24 nước do A-rập Xê-út và Nga dẫn đầu nhất trí sẵn sàng điều chỉnh lại chính sách này nếu việc tăng giá dầu khiến các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, vốn tạm ngừng sản xuất khi giá dầu xuống thấp, trở lại thị trường.

Với giá dầu đang ở mức cao nhất trong hai năm qua, các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ bắt đầu hoạt động trở lại sau khi tạm dừng sản xuất. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 15% kể từ năm ngoái lên gần 10 triệu thùng/ngày, chỉ đứng sau Nga và A-rập Xê-út. Các chuyên gia dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Sự tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật khai thác được cho là yếu tố then chốt dẫn tới “cuộc cách mạng” khai thác dầu đá phiến, từ đó có thể làm thay đổi bản đồ các quốc gia có ảnh hưởng tới ngành năng lượng toàn cầu cũng như địa chính trị. Ngoài ra, giá dầu biến động cũng được cho là do tác động của báo cáo dự trữ dầu thô Mỹ mới cho thấy, nguồn cung dầu thô dự trữ thấp hơn. Theo Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thương mại dự trữ của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22-12-2017, xuống còn 431,9 triệu thùng.

Các cường quốc dầu mỏ đã có những biện pháp nhằm kiểm soát giá dầu cũng như có hướng đi riêng. Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, giá dầu sẽ tiếp tục được “nâng đỡ” nhờ nhu cầu dầu thô tăng mạnh, nhất là từ Trung Quốc, cùng với những nguy cơ địa chính trị hiện nay tại Trung Ðông. Thị trường “vàng đen” được kỳ vọng sẽ vượt qua thời kỳ ảm đạm khi các dự báo đều cho thấy nguồn cung dầu mỏ đang có xu hướng giảm. 

Nguồn tin: nhandan.com.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Giá dầu thế giới tăng 2 tuần liên tiếp do dự đoán nhu cầu toàn cầu tăng cao

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh trong phiên cuối tuần đã thúc đẩy đà đi lên trong tuần qua với dầu ngọt nhẹ WTI nhích 0,5% và dầu Brent tăng 1,1%. 
Những kỳ vọng về khả năng n..

Các động lực thị trường dầu đang thay đổi, trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran

Chủ nghĩa hoài nghi có lẽ là phản ứng phổ biến nhất đối với quyết định của Tổng thống Trump hồi tháng trước khi phục hồi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran. Trong khi Ngoại trưởng Mike Pompe..

Lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mexico sẽ ‘bóp nghẹt’ hoạt động bảo hiểm rủi ro

Quyết định cắt giảm một nửa lượng dầu xuất khẩu của Mexico trong năm nay và dừng hoàn toàn việc xuất khẩu vào năm 2023 sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động bảo hiểm rủi ro (hedge) lớn nhất thế giới cho dầu của nước này, về cơ bản, việc này sẽ đẩy giá d..