Iran cho biết vào ngày 19/6 rằng OPEC không thể đạt được một thỏa thuận dầu mỏ trong tuần này, gây đụng độ với Saudi Arabia và Nga, hai nước đang thúc đẩy nâng mạnh sản lượng trong tháng 7 để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng.
OPEC sẽ nhóm họp để thiết lập chính sách sản lượng trong bối cảnh những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc để kiềm chế giá và hỗ trợ kinh tế toàn cầu bằng cách sản xuất thêm dầu thô.
Lãnh đạo của OPEC, Saudi Arabia và Nga thành viên ngoài tổ chức này đã đề xuất nới lỏng dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng – diễn ra từ đầu năm 2017 – trong khi các thành viên OPEC là Iran, Iraq, Venezuela và Algeria phản đối động thái như vậy.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran ông Bijan Zanganeh trả lời các phóng viên sau khi tới Vienna, trụ sở của OPEC “tôi không tin tại cuộc họp này chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận. OPEC không phải tổ chức nhận chỉ thị từ Tổng thống Trump… OPEC không phải một phần của Bộ Năng lượng Mỹ”.
Zanganeh cho biết ông sẽ rời Vienna trong ngày 22/6 trước khi OPEC tổ chức đàm phán với các nhà sản xuất ngoài OPEC trong ngày hôm sau, và bổ sung sự gia tăng giá dầu gần đây chủ yếu là lỗi của Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới với thành viên OPEC là Iran và Venezuela.
Ông Trump đã kêu gọi OPEC nâng sản lượng, Saudi Arabia và Nga cho biết trong những tuần gần đây thế giới cần thêm dầu mỏ. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết “nhu cầu dầu thường tăng với tốc độ nhanh nhất trong quý 3… chúng tôi có thể đối mặt với thiếu hụt nếu chúng tôi không thực hiện các biện pháp”. “Trong quan điểm của chúng tôi, điều này có thể dẫn tới thị trường quá nóng”.
Ông Novak cho biết Nga muốn các nước trong và ngoài OPEC nâng sản lượng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, nới lỏng việc cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng hiện nay đã giúp tái cân bằng thị trường này trong 18 tháng qua và nâng giá dầu lên 75 USD/thùng từ mức thấp 27 USD/thùng trong năm 2016.
Ngoài Iran, các thành viên của OPEC là Iraq, Venezuela và Algeria cũng cho biết họ phản đối việc tăng sản lượng bất chấp nguồn cung thiếu hụt tại các nước như Libya và Venezuela. Tăng trưởng nhu cầu tăng trong hai năm qua, với mức tăng hàng năm vượt 1,5%. Tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu được dự kiến đạt 100 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Ông Novak cho biết rằng nếu một quyết định nâng sản lượng được thực hiện trong tuần này, OPEC và các đồng minh của họ có thể nhóm họp lần nữa trong tháng 9 để xem xét lại tác động và chính sách sản lượng.
Iraq và Iran cho biết họ sẽ phản đối tăng sản lượng với lý do rằng động thái như vậy sẽ phá vỡ các thỏa thuận trước đó duy trì việc cắt giảm đến hết năm nay. Cả hai nước này phải vật lộn để tăng sản lượng. Iran đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới ngành dầu mỏ của họ và Iraq có sản xuất hạn chế.
Cả hai nguồn tin của OPEC đã trả lời Reutes rằng ngay cả các đồng minh vùng Vịnh của Saudi Arabia là Kuwait và Oman đã chống lại việc tăng sản lượng với số lượng lớn và ngay lập tức.
Một nguồn tin của OPEC cho biết đề xuất tăng sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia – Nga chỉ là “một chiến thuật” nhằm thuyết phục các thành viên khác thỏa hiệp với mức tăng ít hơn khoảng 0,5 – 0,7 triệu thùng/ngày.
Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh của họ có khả năng tăng sản lượng. Nga cũng cho biết việc hạn chế nguồn cung quá lâu có thể khuyến khích tăng sản lượng cao từ Mỹ, nước không tham gia thỏa thuận sản lượng.
Ngày 19/6, giám đốc công ty dầu mỏ Lukoil lớn thứ hai của Nga, ông Vagit Alekperov cho biết việc cắt giảm sản lượng toàn cầu nên giảm một nửa và Lukoil có thể khôi phục mức sản lượng của mình trong 2 tới 3 tháng.
Carsten Fritsch, nhà phân tích hàng hóa của Commerzbank cho biết dựa vào sự khác biệt lớn trong vị trí của các thành viên OPEC, cuộc họp ngày 22/6 có thể khó khăn.
Ông Fritsch cho biết “sự nhất trí là cần thiết cho bất cứ quyết định nào của OPEC. Điều này gợi nhớ lại cuộc họp tháng 6/2011, khi OPEC không thể nhất trí tăng sản lượng để bù cho sự thiếu hụt tại Libya”. “Cuộc họp đó đã kết thúc mà không có tuyên bố chung. Sau đó Bộ trưởng Dầu mỏ của Saudi ông Ali al-Naimi mô tả đó là cuộc họp tồi tệ nhất mọi thời đại của OPEC”.
Bổ sung thêm căng thẳng, Iran và Venezuela tiếp tục nhấn mạnh rằng ngày 22/6 OPEC tranh luận về các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại hai nước này, nhưng thư ký của tổ chức này đã từ chối các yêu cầu của họ.
Nguồn tin: vinanet.vn
Trả lời