Giá xăng sẽ tăng khoảng 1.000 đồng/lít?

Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp đầu mối, trong kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng có thể tăng 800 – 1.000 đồng/lít và xăng RON95 sẽ vượt 32.000 đồng/lít.

Kỳ điều chỉnh giá xăng ngày 1/6 vừa qua đã đẩy giá xăng tại Việt Nam, cụ thể là RON95 chạm mức kỷ lục là 31.570 đồng/lít. Tuy nhiên, theo dự đoán, kỳ điều chỉnh ngày 13/6, giá xăng sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới. Theo lịch, ngày mai (11/6) là đến kỳ điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Do đó, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 13/6.

Trả lời VTC News ngày 9/6, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, với đà tăng liên tục của giá dầu thế giới thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Mức tăng phụ thuộc vào việc Liên bộ Công Thương – Tài chính trích lập, chi sử dụng quỹ Bình ổn giá (BOG). Nhưng trong bối cảnh quỹ BOG cạn kiệt, giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, giá xăng bán lẻ trong nước có thể tăng 800 – 1.000 đồng/lít, trong khi giá dầu sẽ tăng nhiều hơn.

Do giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh nên giá bán lẻ xăng, dầu trong nước buộc phải điều chỉnh tăng theo. Trong bối cảnh này, muốn “hạ nhiệt” giá xăng chỉ còn cách giảm thuế, phí”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/6 là 150,5 USD/thùng đối với xăng RON92 và 157,4 USD/thùng với xăng RON95. Mức giá này cao hơn ngày 1/6 khoảng 3 USD/thùng.

Tương tự, giá các loại dầu cũng tăng khoảng 5 USD/thùng, hiện dầu diesel có giá 170,6 USD/thùng, dầu hỏa giá 166,6 USD/thùng, dầu mazut là 636 USD/tấn.

Tại kỳ điều hành trước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng E5 RON92 thêm 602 đồng/lít, bán ra 30.235 đồng/lít; xăng RON95 tăng 921 đồng/lít, bán ra không cao hơn 31.578 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hỏa là 25.340 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu diesel lên 26.390 đồng một lít, tăng 840 đồng. Dầu mazut là 20.900 đồng một kg, tăng 310 đồng.

Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. Tổng cộng giá xăng RON95 đắt thêm 4.260 đồng một lít, E5 RON92 cũng tăng thêm 3.760 đồng một lít.

Ở kỳ này, cơ quan điều hành cũng chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu ở mức 500 đồng mỗi lít với xăng RON 95, 100 đồng với E5 RON 92. Riêng các mặt hàng dầu sẽ ngừng chi từ Quỹ bình ổn.

Liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục ngừng trích Quỹ bình ổn xăng dầu, tăng mức trích quỹ trở lại với mặt hàng dầu diesel lên 100 đồng, dầu mazut lên 300 đồng một kg; giảm mức trích với dầu hỏa từ 300 đồng về còn 100 đồng một lít.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cân nhắc việc giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu.

Mặc dù vậy, ông Phớc khuyến cáo: “Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện các chính sách đồng bộ. Nếu chúng ta chỉ giảm thuế để kiềm giá mà vẫn để buôn lậu xảy ra thì vô tình là dòng tiền của chúng ta lại thất thoát ra nước ngoài“.

Bộ trưởng cũng cho rằng, giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Công Thương để tìm xem mua xăng dầu ở đâu thì rẻ.

Trong khi đó, thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù giá xăng dầu tăng liên tục và đang ở mức cao nhưng giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp hơn so với những nước có chung biên giới như Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Ngoài ra, từ đầu năm đến 1/6 (kỳ điều hành gần nhất), trong khi giá bình quân một số mặt hàng xăng dầu thế giới trên thị trường Singapore tăng 45,86%- 63,68% thì giá trong nước chỉ tăng 27,29% – 47,89%. “Như vậy, dù điều hành theo đà tăng của thế giới nhưng mức tăng của giá xăng dầu Việt Nam vẫn thấp hơn”, ông Hải nói.

Giá dầu thế giới chạm mức cao nhất 13 tuần

Khép lại phiên 8/6 (giờ địa phương), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3,01 USD, hay 2,5%, lên 123,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,7 USD, hay 2,3% và đóng phiên ở mức 122,11 USD/thùng.

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% lên mức cao nhất 13 tuần qua trong phiên 8/6 do nhu cầu xăng tại Mỹ tiếp tục gia tăng bất chấp giá cao kỷ lục, trong khi vẫn còn những lo ngại về nguồn cung tại nhiều nước, trong đó có Iran.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dầu thô trong Kho xăng dầu chiến lược (SPR) của Mỹ đã ghi nhận mức giảm kỷ lục trong tuần trước khi lượng đầu vào của các công ty lọc dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Nguồn tin: VTC News

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Các công ty Nga ủng hộ gia hạn cắt giảm sản xuất với OPEC

Các công ty năng lượng ở Nga đã ủng hộ việc mở rộng thỏa thậun cắt giảm sản xuất dầu thô giữa Moscow và OPEC.
Trong khi OPEC đang xem xét kéo dài cắt giảm sản lượng thêm chín th

Sản lượng OPEC xuống mức thấp 12 tháng

Sản lượng dầu thô của OPEC sụt giảm 170.000 thùng/ngày trong tháng trước xuống còn 32,04 triệu thùng/ngày, một cuộc khảo sát các nhà phân tích năng lượng của Bloomberg ..

Giá dầu tăng cao buộc Ả Rập Saudi nâng sản lượng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, giá dầu thế giới vẫn ở mức cao khiến Ả Rập Saudi tuyên bố sẵn sàng sử dụng năng lực sản xuất dầu dự phòng. 
Trong phiên ngày 3/7, giá “v

Petrolimex xin tăng thù lao HĐQT lên 9 tỷ năm 2017

Năm 2017, quỹ thu nhập cho các lãnh đạo Petrolimex tăng mạnh, thù lao HĐQT tăng lên gần 9 tỷ, Ban kiểm soát hơn 4 tỷ đồng. 
Với số lượng thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát giữ nguy