Ấn Độ sẽ “cứu” thị trường dầu mỏ thế giới?

Ấn Độ đang trở thành nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, khi nền kinh tế của quốc gia này tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác.

Nếu như mức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc trước đây đã đẩy giá dầu lên trên 100USD/thùng thì nay Ấn Độ được kỳ vọng sẽ kéo giá dầu đang ở mức thấp như hiện nay lên trên 50USD/thùng vào cuối năm nay.


Số liệu mới công bố cho thấy Ấn Độ, một nước tiêu thụ khá nhiều sản phẩm năng lượng của thế giới đã nhập khẩu mạnh dầu trong tháng 6 vừa qua, nhờ vậy mà Iraq và Arập Xêút xuất được nhiều dầu hơn. Lượng xuất tháng 6-2016 của hai nước này lên cao hơn hẳn so với 2 tháng trước đó. Hiện tại Iraq đang cung cấp khoảng hơn 20% lượng dầu nhập khẩu vào Ấn Độ. Trong quý II/2016, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Iraq tăng khoảng 34% thành 847.000 thùng/ngày, trong khi lượng nhập khẩu từ Arập Xêút giảm xuống 768.000 thùng/ngày. 


Một giàn khoan dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc doanh lớn nhất Ấn Độ Oil and Natural Gas Corp (ONGC)


Lý giải về tình trạng trên các chuyên gia cho rằng, nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đối với dầu thô loại Basra Heavy của Iraq, kể từ khi loại này được giới thiệu vào năm ngoái. Nhiều nhà máy lọc dầu Ấn Độ có khả năng xử lý các loại dầu thô nặng hơn và nó cũng được bán với giá rẻ hơn. Ngoài ra, dầu Basra Heavy cũng tốt để sản xuất nhựa đường được sử dụng để xây dựng đường sá. Ấn Độ có mục tiêu xây dựng khoảng 40km đường mỗi ngày trong năm tài chính này dưới thời Thủ tướng Narandra Modi để cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tương tự Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ do ngành sản xuất dẫn dắt. Chiến dịch “Make in India” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tạo ra thêm 100 triệu việc làm trong các nhà máy và tăng tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế lên 25% từ 18% khi ông nhậm chức năm 2014.

Lĩnh vực sản xuất đang đẩy tăng tiêu thụ dầu thô cả bằng việc tăng lượng hàng hóa sản xuất ra – cần được vận chuyển bằng đường biển và đường bộ cũng như nâng cao mức sống của công nhân. Mức lương tăng đã cho phép người Ấn Độ mua lượng xe hơi cao kỷ lục 24 triệu chiếc trong năm 2015.

Không ít chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục mua nhiều các sản phẩm năng lượng bởi chính phủ nước này đang đặt mục tiêu xây dựng 3 khu vực dự trữ sản phẩm năng lượng chiến lược tại nước này. Sản lượng nhập của Ấn Độ sẽ tăng ước khoảng 91 triệu thùng dầu/năm từ nay đến hết năm 2020.

Trong năm 2015, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Ấn Độ tăng thêm 300.000 thùng/ngày, lên gấp đôi mức trung bình của quốc gia này trong thập niên trước (theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc giảm xuống 300.000 thùng/ngày, so với mức trong thập niên kết thúc vào năm 2013, khi Chính phủ Bắc Kinh dần chuyển trọng tâm phát triển ra khỏi ngành công nghiệp nặng.

Trước đó, nhu cầu tiêu thụ dầu để phục vụ cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đã giúp đẩy giá dầu lên mức trên 100USD/thùng. Hiện tại, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc, trong khi sản lượng đầu ra của Mỹ, Nga và Arập Xêút không ngừng tăng lên, giá dầu đã bị đẩy về mức dưới 30USD/thùng vào tháng 2-2016 và hiện đang đứng ở mức khoảng 45USD/thùng. Tuy nhiên, một điểm sáng mới nổi lên đối với nhu cầu trên thị trường, đó là Ấn Độ. “Cấu trúc và các thay đổi chính sách đã giúp nhu cầu tiêu thụ dầu tại Ấn Độ tăng trưởng tương tự như Trung Quốc cuối những năm 1990”, Amrita Sen, chiến lược gia trưởng tại Energy Aspects Ltd và Anupama Sen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng dầu mỏ cho biết trong báo cáo.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, Ấn Độ sẽ tiêu thụ 4,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2016, vượt qua Nhật Bản với mức 4,1 triệu thùng mỗi ngày. Trong quý II/2015, Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản, trở thành thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 trên thế giới.

Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 7,6% trong năm nay, mức cao nhất trong số các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, doanh số bán xe cộ tại Ấn Độ đã tăng 11,8% trong tháng 2-2106 so với cùng thời gian năm ngoái, theo Hiệp hội Các nhà Sản xuất ôtô Ấn Độ.

Theo Helima Croft, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc chiến lược bộ phận hàng hóa của RBC Capital Market đánh giá, Ấn Độ đang chứng tỏ vị thế của mình ngay lúc này và sẽ sớm trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ trong tương lai. Bà Croft cho rằng, mặc dù nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc hầu như không biến động, nhưng nhu cầu dầu mỏ tại Ấn Độ đang tăng rất mạnh khiến giá dầu thô Brent có thể giữ ở mức 50USD/thùng vào cuối quý III và khoảng 55USD/thùng vào cuối quý IV/2016.

Về triển vọng phát triển ngành dầu mỏ của Ấn Độ, theo giới chuyên gia không thể bỏ qua hai sự kiện gần đây. Hãng tin Bloomberg hồi giữa tháng 6-2016 dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Nga đang tìm khách mua 19,5% cổ phần tập đoàn dầu lửa quốc doanh khổng lồ Rosneft và mong muốn của Moskva là đạt một thỏa thuận bán lại tài sản này cho Trung Quốc và Ấn Độ. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã thể hiện sự quan tâm tới vụ bán cổ phần này của Rosneft, tuy nhiên chưa quyết định có mua hay không.

Tháng trước, công ty dầu lửa lớn nhất Ấn Độ là ONGC nhất trí trả Rosneft 1,27 tỉ USD để mua lại 15% cổ phần của Vankor, một trong những mỏ dầu lớn nhất của Nga. Hôm 17-6, Rosneft bán thêm 23,9% cổ phần của dự án này cho ba công ty khác của Ấn Độ, thu về số tiền khoảng hơn 2 tỉ USD.

Ngày 19-7, tờ Business Standard dẫn tuyên bố của Bộ Xăng dầu Ấn Độ cho biết, Bộ trưởng bộ này Dharmendra Pradhan và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz đã nhất trí tăng cường hợp tác về mặt kỹ thuật và thể chế trong lĩnh vực năng lượng và hydrocarbon. Tuyên bố trên cho hay, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong “đánh giá ở cả các mỏ hydrocarbon thông thường và không thông thường ở trên bờ và ngoài khơi tại Ấn Độ, các công nghệ mới trong phát triển nhiên liệu sinh học và phát triển khi lưu trữ xăng dầu”.

Nguồn tin: Petrotimes

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

OPEC đang cạn dần thời gian

Cáo phó của OPEC đã được viết nhiều lần kể từ khi thành lập vào năm 1960, nhưng nhóm luôn tìm cách để đưa các tranh chấp nội bộ qua một vì lợi ích của duy trì d..

Giá xăng dầu hôm nay 15/6: Cập nhật giá xăng dầu trong nước, quốc tế

Cập nhật giá xăng dầu trong nước và thế giới mới nhất hôm nay 15/6/2022. Cập nhật giá xăng dầu thế giới mới nhất hôm nay 15/6.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 15/6
Ghi nhận vào lúc 7h00 ngày 15/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao ở mức ..

Nhà đầu tư ngoại đã “lách” qua cánh cửa hẹp của xăng dầu Việt như thế nào?

Sự “màu mỡ” của thị trường xăng dầu Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
“Trái ngọt” từ xăng dầu
Theo Bộ Công Thương, ở ..

Giá xăng dầu hôm nay (21-6): Giá xăng trong nước tăng?

Tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động khởi động tuần, giá dầu Brent hôm nay “neo” ở mức hơn 114 USD/thùng, WTI nhích nhẹ. Giá xăng trong nước dự kiến sẽ tăng nhẹ.
Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu đã bắt đầu tuần giao dịch mới bằng một ..