Một lời giải khác khả dĩ hợp lý hơn cho sự biến động giá dầu thế giới cũng như các nguyên liệu sản xuất công nghiệp trong suốt gần 2 năm qua bắt đầu từ thời điểm cuối năm 2014: sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc. Trong vòng 27 tháng gần nhất, có tới 18 tháng khả năng sản xuất của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.
Tính đến cuối tháng 11.2016, thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC) với các nước xuất khẩu ngoài OPEC (như Nga và Mexico) được ký kết tại Vienna, giá dầu trên thị trường thế giới đã suy giảm mạnh trong vòng 2 năm kể từ thời điểm cuối năm 2014. Hai yếu tố vẫn được xem là nguyên nhân chủ đạo cho tình trạng trên là cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ và cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến Nga bị phương Tây cấm vận về kinh tế, buộc nước này phải tăng sản lượng khai thác và kéo theo những động thái tương tự từ các nước xuất khẩu dầu của OPEC. Tuy nhiên, một điều có thể xem là trùng hợp, đó là cũng trong khoảng thời gian này các mặt hàng nguyên liệu đóng vai trò đầu vào cho sản xuất công nghiệp như kim loại hay cao su cũng giảm giá nghiêm trọng. Một lời giải khác khả dĩ hợp lý hơn cho sự biến động giá dầu cũng như các nguyên liệu sản xuất công nghiệp: sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc.
Một trong những yếu tố giữ vai trò động lực đối với giá cả hàng hóa là tăng trưởng kinh tế thế giới và dẫn tới tăng trưởng nhu cầu với các mặt hàng nguyên liệu. Khi tăng trưởng toàn cầu sụt giảm, cụ thể hơn là các nền kinh tế đóng vai trò lớn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nói trên sụt giảm, thì giá cả hàng hóa giảm là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Câu chuyện được nói nhiều nhất về nền kinh tế Trung Quốc vài năm trở lại đây trên khắp thế giới, là việc tăng trưởng GDP của nước này đã giảm đi đáng kể và chậm hẳn lại. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự đơn giản hóa quá mức những gì đã diễn ra trong thực tế. Sự thật là: trong khoảng thời gian 27 tháng gần nhất, thì có tới 18 tháng Trung Quốc lâm vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực sản xuất.
Theo đó, Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc suy thoái sản xuất kể từ thời điểm tháng 12.2014, và nó kéo dài liên tục cho đến tháng 6.2016. Điều này đã không được công bố trong các báo cáo về tổng sản phẩm quốc nội của chính phủ Trung Quốc hoặc trong các số liệu về chỉ số quản lý cung cấp chính thức. Thay vào đó, nó hiện ra một cách rất rõ ràng trong các báo cáo về đơn đặt hàng đối với các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ: số lượng đơn hàng mà các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc có được trong giai đoạn từ tháng 12.2014 đến tháng 6.2016 đã giảm đi đáng kể.
Điều này giải thích vì sao giá dầu cũng như giá các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp như kim loại hay cao su trên thị trường thế giới giảm mạnh trong khoảng thời gian đó. Chính sự sụt giảm nhu cầu đối với các mặt hàng trên do khả năng xuất sản của Trung Quốc giảm đi là lý do khiến giá dầu thế giới chạm đáy, chứ không phải đến từ cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ hay lượng tồn kho dầu trên thế giới đã quá dư thừa hay tỷ giá USD mạnh đã đẩy giá các mặt hàng đó sụt giảm. Trung Quốc là công xưởng sản xuất của cả thế giới và là nền kinh tế có nhu cầu với dầu lửa thuộc diện lớn nhất toàn cầu. Ngoài dầu lửa, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lớn nhất đối với các mặt hàng đóng vai trò nguyên liệu sản xuất như nhôm hay cao su.
Tất cả chỉ thay đổi khi năng lực sản xuất của Trung Quốc phục hồi vào tháng 6.2016 sau gần 2 năm suy thoái, giá các mặt hàng kim loại và cao su tăng trở lại và kèm theo sự hồi phục của giá dầu. Có thể cuộc cách mạng đá phiến ở Mỹ đã đẩy sản lượng khai thác dầu thế giới lên cao hơn đáng kể so với trước, nhưng khi nào mà nhu cầu của thị trường thế giới vẫn còn tiếp tục gia tăng thì giá dầu vẫn sẽ nhận được một sự đảm bảo nhất định. Điều này trong vài năm qua tỏ ra chủ yếu phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn mới nổi ở châu Á như Trung Quốc hay Ấn Độ thay vì các nước phương Tây đã ở trong tình trạng bão hòa về thị trường. Khi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tiếp tục đà tăng trưởng cao, dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, thì nhu cầu với dầu vẫn sẽ ngày càng tăng lên đáng kể. Theo thống kê, số lượng xe hơi bán ra trên thế giới trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục, và phần lớn là tại các thị trường châu Á. Doanh số bán xe tăng lên cũng sẽ đồng nghĩa với nhu cầu về dầu lửa cũng sẽ tăng lên theo chiều tỷ lệ thuận.
Dù theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm khoảng 0,2% trong năm 2017 để xuống mức 6,5%, thì tương lai của giá dầu trên thị trường thế giới dường như đã được đảm bảo. Dữ liệu PMI về chỉ số sản xuất của Trung Quốc vài tháng trở lại đây không những không giảm mà còn gia tăng khá mạnh mẽ, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2017 sẽ đồng nghĩa với việc khả năng gia tăng năng lực sản xuất của Trung Quốc là rất lớn do tăng trưởng tổng cầu. Ngoài ra, việc các kho dự trữ dầu trên thế giới đã giảm đáng kể (giảm khoảng 1,4% so với cùng kỳ 2016) do tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, đồng thời nhu cầu dầu sẽ tăng đột biến tại Mỹ do mùa lái xe hè đã bắt đầu từ ngày 21.3 ở nước này, tất cả những điều này cũng sẽ đẩy giá dầu lên cao do nhu cầu gia tăng đột biến.
Mối lo ngại lớn nhất đối với giá dầu trong năm nay là những lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đánh thuế tới 45% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, khả năng sản xuất của Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn nặng và có thể rơi vào tình trạng suy thoái, điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ dầu của thị trường hàng đầu thế giới này sẽ giảm rất mạnh. Kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là giá dầu sẽ chạm đáy và khó có thể phục hồi ít nhất là từ 1-2 năm.
Nguồn tin: Motthegioi
Trả lời