“Bỏ ra hàng tỷ đồng để mua xe ôtô, nhưng lại phải sử dụng một loại xăng không phù hợp, đi được vài ba năm là hỏng thì không thể được…”
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, đề xuất bỏ bán xăng RON95 cần được mổ xẻ, phân tích dưới góc độ khoa học chứ không phải góc độ kinh tế.
Như VnEconomy đã đưa tin, mới đây một số doanh nghiệp xăng dầu đề xuất bỏ bán xăng RON 95, thay vào đó chỉ bán hai loại xăng sinh học là E5 RON92 và E5 RON95. Đề nghị này hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Khi nào 70% người dân dùng xăng E5 thì hãy tính!
Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, với bất kỳ đề xuất nào liên quan đến thị trường thì đều phải theo cơ chế “hợp lòng dân”.
Mặc dù hiện nay các bộ, ngành đang khuyến khích sử dụng xăng E5 để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng thực tế chỉ có 42% người dân mua xăng E5, còn 48% vẫn sử dụng xăng RON95.
“Như vậy, đa số người dân vẫn sử dụng và thích xăng khoáng, họ chưa thích xăng E5”, ông Ngãi nói.
Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, đề xuất này cần phải chờ thị trường phán xét, mà thị trường ở đây chính là người dân, những đang người sử dụng hai loại xăng này.
“Khi số lượng người sử dụng xăng E5 tăng lên 70% thì khi đó hãy quyết định cho dùng xăng E5, còn mới có 42% người sử dụng thì chưa thể quyết được. Đừng vội vã võ đoán. Tôi dùng từ võ đoán bởi những người bán xăng thì luôn muốn bán những loại rẻ tiền”, ông Ngãi nói thêm.
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho biết, trên thị trường có rất nhiều loại xe. Có những loại xe sử dụng được xăng E5, còn có những loại xe “đẳng cấp cao” như BMW, Audi, Lexus… thì không thể dùng xăng E5 mà phải dùng xăng RON95.
“Bỏ ra hàng tỷ đồng để mua xe ôtô, nhưng lại phải sử dụng một loại xăng không phù hợp, đi được vài ba năm là hỏng thì không thể được. Nhất là trong bối cảnh những người sử dụng xe ôtô cao cấp ở Việt Nam hiện nay không phải là ít”, ông Ngãi nhận định.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh được rằng, nếu sử dụng xăng E5 là an toàn, bởi tính chất hóa học, tính chất cơ học, tính chất vật lý học của từng loại nhiên liệu rất khác nhau.
“Xăng có độ nhớt, có tính chất hóa học khác với ethanol. Độ bốc cháy của xăng cũng khác, độ bôi trơn khác nên không thể đánh tráo giữa ethanol và xăng được. Chẳng qua, nếu pha 5-10% ethanol vào xăng thì có thể chấp nhận được, chứ nếu pha cao hơn nữa thì sẽ phá luôn bộ đốt của xe.
Tại sao máy bay không sử dụng xăng E5? Vì không thể sử dụng được với động cơ quay hàng nghìn vòng/phút, không thể chạy được. Phải đốt cháy 100% nguyên liệu mới được. Tuy nhiên, cũng cần nói mặt hạn chế của việc sử dụng xăng khoáng là gây ô nhiễm môi trường”, ông Ngãi nói.
“Nên tăng chênh lệch giữa giá giữa xăng RON95 và E5”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng cho biết, việc thúc đẩy tiêu thụ xăng E5 sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy ngành nông nghiệp trồng sắn, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ethanol, giúp phối trộn tạo thành xăng E5.
Đồng tình một phần với quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi chỉ ra một hiện trạng khác là mức độ giảm thiểu ô nhiễm khi chuyển sang sử dụng xăng E5 là không quá cao.
Bởi bản chất xăng E5 chỉ có 5% là ethanol, còn 95% vẫn là xăng khoáng. Ông Ngãi cho rằng con số 5% chưa thực sự có ý nghĩa lớn và “Quan điểm của tôi là nên phân tích dưới góc độ khoa học, chứ không nên phân tích dưới góc độ kinh tế”, ông nói.
Với lập luận để thúc đẩy nông nghiệp, ông Trần Viết Ngãi tỏ ra không đồng tình. Ông cho rằng, không nên quan niệm củ sắn là nguyên liệu để sản xuất xăng E5 mà củ sắn dùng trong lương thực thực phẩm mới quan trọng.
Củ sắn có thể chế biến thành bánh trái, thành nhiều món ăn ngon nên đừng nghĩ đó là xăng, là cồn.
“Chiết xuất 1 tấn sắn mới được vài lít cồn nên rất rẻ mạt. Sắn bán để sản xuất cồn thì càng rẻ hơn, còn sắn chế biến thành thức ăn mới đắt. Chúng ta cần phải có tư duy như vậy thì mới thúc đẩy nông nghiệp một cách hợp lý. Xưa nay, người dân tộc vẫn ăn sắn quanh năm. Ở các nước châu Phi họ còn không có sắn mà ăn, một số nước xuất khẩu sắn làm lương thực, chế biến thành bột, rất đa dạng. Cớ gì không khai thác ở khía cạnh đó mà cứ nhè sản xuất xăng E5”, vị chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Trần Viết Ngãi vẫn khẳng định, việc đưa vào sử dụng rộng rãi xăng E5 là cần thiết.
Ông hiến kế, để giảm bớt lượng người sử dụng xăng RON95 thì cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng mức chênh lệch về giá giữa xăng RON95 và E5, để người dân có sự lựa chọn.
Theo đó, những người sử dụng xe đắt tiền, xe có chỉ số octane cao, cần thiết phải sử dụng xăng RON95 thì có đắt họ vẫn phải mua. Còn những người dân chỉ sử dụng xe máy, động cơ thấp thì có thể dùng xăng E5 cho tiết kiệm.
“Hiện nay mức chênh lệch giữa giá xăng RON95 và E5 mới chỉ 1.000-2.000 đồng, nên có thể tăng chênh lệch lên hẳn 3.000-4.000 đồng, sẽ giúp sàng lọc dần đối tượng sử dụng xe trên thị trường mà vẫn đảm bảo sự cân bằng.
Ngoài ra, phải có những nghiên cứu cụ thể về xăng E5 và được công bố rộng rãi, chứ không thể vu vơ, để người tiêu dùng có thể yên tâm bỏ xăng RON95 để chuyển sang xăng E5. Cần phải nói có lý, có lẽ, có tình người chứ không chỉ hô khẩu hiệu, hô phong trào”, ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh.
Nguồn tin: vneconomy.vn
Trả lời