Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 tăng 6,7%, Bộ Công Thương đã kiến nghị tới Thủ tướng một loạt cơ chế, chính sách ưu đãi cho các ông lớn ngành điện, dầu khí, than, phân bón, dệt may.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số FTA đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Việc tham gia cộng đồng ASEAN và việc ký kết, triển khai các Hiệp định thương mại tự do FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, định hướng năm 2017 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi một loạt kiến nghị tới Thủ tướng xem xét.
Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong Qui hoạch điện VII điều chỉnh, đồng thời phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017 – 2020 và quyết định tăng vốn điều lệ của EVN.
Trong lĩnh vực dầu khí, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xử lý, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về trích lập và sử dụng quỹ từ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN, trong đó có quy định về trích lập Quỹ Tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có phương án ưu đãi thuế nhập khẩu đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn
Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (hỗ trợ PVN thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại).
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa chuỗi dự án Cá Voi Xanh vào danh mục các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí. Xem xét, cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi, đặc thù đối với việc đầu tư nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư.
Về lĩnh vực than, Bộ đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan rà soát các mức thuế, phí hiện đang áp dụng đối với ngành than để đề xuất điều chỉnh phù hợp. Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Về lĩnh vực phân bón, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%.
Trong lĩnh vực dệt may, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, thống nhất qui hoạch và cấp phép khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 – 1.000 ha để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước về sản xuất vải, sợi, nhuộm hoàn tất; Hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp này.
Ngoài ra, Bộ còn đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương đối với một số loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, chủ yếu áp dụng cho những dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tại các địa bàn này, doanh nghiệp không muốn đầu tư vì lợi nhuận ít hoặc không có lợi nhuận, thu nhập của dân thấp, không có khả năng tự đầu tư, vì vậy không có điều kiện để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư của Chính phủ.
Nguồn tin: Ndh
Trả lời